(Baoquangngai.vn)- Có thể nói rằng mấy chục năm qua, cây mía Quảng Ngãi bình quân chưa qua được “cửa ải” 60 tấn/ha. Hệ quả đưa lại là người trồng mía thu nhập thấp, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất, diện tích ngày càng thu hẹp buộc chủ doanh nghiệp phải chuyển nhà máy đi nơi khác…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nói thì dễ, làm mới khó. Theo ông Tạ Công Tường, nguyên Giám đốc nhà máy đường Phổ Phong – người tâm huyết với cây mía, ròng rã nhiều năm liền đi vận động để đưa khoa học công nghệ vào đồng mía như Công ty đã làm tại đồng mía ở An Khê (Gia Lai). Vụ sản xuất vừa qua, Quảng Ngãi có gần 600ha được thực hiện theo mô hình “cánh đồng lớn” ở một số huyện trong tỉnh. Điển hình có thể kể đến: 23 ha mía ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn), bình quân 82 tấn/ha có nơi trên 100 tấn/ha; thị trấn Mộ Đức 30ha…
Xí nghiệp Cơ giới nông nghiệp (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đang làm đất và trồng mía bằng máy tại đồng mía Đức Lân - Mộ Đức vụ 2017-2018. |
Đặc biệt là ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) có 2 chị em Võ Thị Vân dám thuê gần 30ha đất để trồng mía. Năm đầu dù bị nắng hạn, chuột phá và cả “người phá” (cắt ngọn, lá cho bò ăn) nhưng trừ chi phí vẫn còn lãi hàng chục triệu đồng. Đây cũng là một điển hình để xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp tại nông thôn, bởi tuổi trẻ có kiến thức kinh doanh, có tư duy mới dám đương đầu với khó khăn, đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng để làm giàu.
Cũng theo ông Tường, để có năng xuất cao như thế, người trồng mía phải theo quy trình khép kín của Công ty. Đó là làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc và thu hoạch đều bằng cơ giới. Nhưng điều kiện hàng đầu là phải có đất tập trung, không bờ vùng, bờ thửa, chí ít phải có từ 20ha trở lên.
Bên cạnh đó là phải có giống tốt do Nhà máy và Trung tâm Giống mía Nghĩa Hành khảo nghiệm từ thực tế để chọn lọc. Cơ giới hóa, đất sẽ được cày sâu ngoài việc giữ ẩm chống chọi với nắng hạn còn khơi dậy được chất hữu cơ nằm im trong lòng đất. Phân bón được một Công ty Nhật Bản nghiên cứu cung cấp chuyên bón cho cây mía.
Khi bón bằng máy, phân được lấp dưới đất từ khi trồng cũng như chăm sóc, làm cho chất lượng phân không bị mất, chẳng những năng suất tăng mà mỗi ha mía còn giảm được 200kg. Khi thu hoạch bằng máy, ngoài năng suất tăng cao còn nhiều lợi ích khác như thời gian vận chuyển mía về nhà máy nhanh, lưu gốc vụ sau tốt, rác mía được trả lại cho đất để làm phân…
Ông Tường cũng cho biết, để một vùng đất có từ 20ha trở lên cần phải tích tụ ruông đất. Tập trung đất theo kiểu cũ nhà máy đã từng làm nhưng không thành công, nghĩa là mời tất cả bà con có đất vào để cùng canh tác. Do đất manh mún, tìm được 20ha mỗi vùng đã có hàng trăm chủ hộ, chỉ 5, 7 người không đồng ý coi như thất bại, vì cơ giới không thể thực hiện trên cánh đồng da beo.
Với bình quân 90 tấn/ha, Quảng Ngãi chỉ cần 3.000ha đất là đủ nguyên liệu cho Nhà máy đường Phổ Phong sản xuất. Nếu diện tích phát triển thì Công ty CP Đường sẽ mở rộng, nâng công suất nhà máy đáp ứng nhu cầu cho người trồng mía. Để làm được việc này, ngoài sự nỗ lực của Công ty – Nhà máy, của người trồng mía, chính quyền các cấp có chính sách khuyến khích như hỗ trợ những vùng tập trung đất được nhiều, cấp tín dụng ưu đãi cho người thuê đất, giám sát việc cho thuê đất…
Với quyết tâm đồng bộ, việc đưa cơ giới – khoa học công nghệ vào nông nghiệp là không thể không làm được trên đất Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: Minh Điền