Câu chuyện buồn từ những mô hình khuyến nông

08:03, 29/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều mô hình khuyến nông khi thực hiện thí điểm thì thành công, nhưng lại thu về “quả đắng” lúc nhân rộng. Để hạn chế sự lãng phí cũng như có hướng đi mới trong thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện miền núi Trà Bồng đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc này.

 
Thực trạng những mô hình
 
Năm 2009, cây thanh long ruột đỏ được đưa về triển khai trồng thí điểm tại các xã vùng thấp của huyện Trà Bồng. Kết quả thu về đã giúp nhiều hộ dân đổi đời, cuộc sống khấm khá. Với sản lượng 10 nghìn tấn/ha, thanh long ruột đỏ đã đem lại thu nhập 250 triệu mỗi năm. Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có cây trồng nào lại đem lợi nhuận “khủng” như vậy cho người dân Trà Bồng.
 
Vui mừng với thành công này, Trạm khuyến nông huyện tiếp tục hỗ trợ phân, giống và trụ để nhân rộng mô hình. Đến năm 2014, toàn huyện đã có hơn 11ha thanh long ruột đỏ với hơn 250 hộ tham gia trồng. Đầu tư kỹ càng từ giàn phun nước, đúc trụ bê tông chắc chắn rồi tỉ mẩn chăm sóc cả ngày, lẫn đêm, các hộ dân này mong ngóng đến ngày hái quả ngọt.

 

Vườn thanh long ruột đỏ trơ trụi, chết dần sau 2 năm chăm bón
Vườn thanh long ruột đỏ trơ trụi, chết dần sau 2 năm chăm bón.
 
Nhưng thực tế lại không hề như mong đợi. Đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều diện tích thanh long ruột đỏ đã trở thành vườn hoang, không người chăm sóc. “Còn chăm sóc chi nữa, vì cả vườn đều chết trụi cả. Bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ vào đây coi như đổ sông, đổ biển cả rồi”- Ông Võ Tứ ở tổ dân phố 2, thị trấn Trà Xuân bần thần nhìn vườn thanh long trơ trụi.
 
Cách đây 2 năm, với sự hướng dẫn của cán bộ Trạm khuyến nông, gia đình ông mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, dành 1.000 mét vuông để trồng 300 trụ thanh long. Ngoài ra, ông Tứ còn đầu tư cả giàn béc phun tưới nước cho vườn trị giá hơn 10 triệu đồng.
 
“Ban đầu, cây lên xanh mướt ai tới thăm cũng khen. Nhưng đến ngày cho hoa, đậu trái thì các trụ thanh long đồng loạt bị đốm rồi rục thân. Mua bao nhiêu thuốc rồi phân về chăm bón mà cây chết vẫn cứ chết. So với số tiền gần 30 triệu đồng bỏ ra thì đến giờ thu về chưa được 5%. Mà tiếc là tiếc cái công sức hao tổn quá nhiều cho cây thanh long”- ông Tứ than thở.
 
Không riêng gia đình ông Tứ, mà hầu hết các hộ được hỗ trợ giống cùng thời điểm đó đều bị thất bại bởi bệnh đốm trắng trên cây thanh long. Thế nên, từ con số hơn 11,2 ha của năm 2014 thì đến nay, toàn huyện chỉ còn giữ lại hơn 3ha thanh long ruột đỏ chưa bị sâu bệnh và vẫn cho năng suất cao. Hơn 1,3 tỷ đồng tiền đầu tư hỗ trợ kỹ thuật lẫn giống, phân... để nhân rộng mô hình từ năm 2014-2016 coi như không phát huy hiệu quả.

 

Nhiều hộ dân chấp nhận phá bỏ vườn tạp để chờ cây giống cho mô hình gấc nhưng chờ mãi vẫn không thấy
Nhiều hộ dân chấp nhận phá bỏ vườn tạp để chờ cây giống cho mô hình trồng gấc, nhưng chờ mãi vẫn không thấy
 
Còn với mô hình trồng gấc bao tiêu sản phẩm của Trạm khuyến nông huyện thất bại ngay từ còn nằm trên giấy. Điều đáng nói ở đây là mô hình này chưa được huyện đồng ý phê duyệt thì đã được thông báo rộng rãi đến các hộ dân. Vậy nên, hàng chục hộ dân được chọn triển khai mô hình đã chấp nhận phá bỏ hàng chục nghìn mét vuông vườn để chờ đến ngày được cấp cây giống.
 
“Nhưng chờ mãi mà có thấy cấp gì về đâu. Vườn mì rộng gần 1.000 mét vuông thì khi hay tin có hỗ trợ mô hình mới nên tôi đã phá bỏ mất rồi. Hai năm rồi không thể để đất không nên tôi đành trồng keo cho đỡ tiếc”- ông Nguyễn Huệ ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng chia sẻ. Vườn mì của ông Huệ tuy không mang lại thu nhập cao nhưng cũng có thể làm ra 20-40 triệu đồng/năm- số tiền không nhỏ đối với người dân miền núi. 
 
“Chết yểu” do thiếu đầu ra
 
Thanh long ruột đỏ hay mô hình trồng gấc là hai trong số hàng chục mô hình khuyến nông được lên kế hoạch và triển khai trong những năm qua ở huyện Trà Bồng. Trung bình mỗi năm ngân sách huyện đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho các mô hình khuyến nông. Kết quả cho thấy, chỉ một số ít mô hình thành công và triển khai nhân rộng tốt. Nhưng phần lớn vẫn là mang lại hiệu quả thấp, thậm chí là thất bại.

 

Với mô hình thanh long ruột đỏ, số tiền khuyến nông phải bỏ ra là hơn 1,3 tỷ đồng nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng diện tích dần hẹp lại
Với mô hình thanh long ruột đỏ, số tiền khuyến nông phải bỏ ra là hơn 1,3 tỷ đồng.
 
Và có một thực tế cần phải nhìn nhận là rất nhiều mô hình khi thực hiện thí điểm thì thành công rực rỡ, nhưng thường thất bại khi nhân rộng. Triển khai các mô hình khuyến nông với mục đích cuối cùng là giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, có thu nhập khá, đời sống kinh tế ổn định hơn. Đến thời điểm hiện tại, mục đích ấy vẫn còn quá xa với thực tại.
 
Lý giải các nguyên nhân triển khai mô hình khuyến nông không hiệu quả, ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ: Ngoài những yếu tố khách quan như thời tiết hay sâu bệnh, thì có thể lý giải mô hình khuyến nông chưa thành công một phần vì sự trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của người dân. Họ thường ít chủ động, tận tâm chăm sóc mà lại trông cậy vào nhà nước.
 
Hơn nữa, mô hình khuyến nông được triển khai nhưng chưa tính được đầu ra, thị trường cho các sản phẩm. Một khi sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ, không đem lại lợi nhuận thì ắt hẳn mô hình ấy sẽ sớm bị lãng quên.
 
“Điều quan trọng nữa là việc triển khai các mô hình chưa có sự vào cuộc thực sự của hệ thống chính trị. Người dân quyết tâm, chính quyền hỗ trợ tích cực thì mô hình mới có thể thành công. Nhưng thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện lẫn chính quyền chưa thể làm được điều này”- ông Trần Văn Sương nhấn mạnh.
 
Quyết tâm hạn chế tình trạng lãng phí và tìm ra hướng đi mới để thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Trà Bồng đã rà soát lại tất cả các mô hình khuyến nông. “Huyện chỉ đạo phải xem xét kỹ tính hiệu quả mới được thực hiện mô hình. Một khi đã thực hiện thì phải có cán bộ khuyến nông lẫn chính quyền địa phương theo sát, đồng hành cùng người dân. Chúng tôi xác định con người là yếu tố quyết định trong việc này”- Ông Sương khẳng định.
 
Riêng với mô hình thanh long ruột đỏ, huyện có kế hoạch yêu cầu hơn 250 hộ dân giữ lại các trụ đúc, tiến hành phun khử, vệ sinh lại vườn để tiệt nguồn bệnh. Đồng thời, hỗ trợ người dân tái tạo lại diện tích thanh long từ giống cây xét chọn ở tại địa phương. Huyện vẫn đặt niềm tin rất lớn vào cây thanh long để giúp người dân phát triển kinh tế trong tương lai gần.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 

.