(Báo Quảng Ngãi)- Thông tin giá tinh bột mì xuất khẩu đầu năm 2017 giảm sâu đã khiến doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu mặt hàng này và cả nông dân đều nặng nỗi lo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những bất ổn của thị trường cộng với nhiều khó khăn khác đang đẩy DN vào chỗ bế tắc, còn nông dân thì trở nên bất an với cây mì...
Người trồng mì chịu thiệt
Giá tinh bột mì xuất khẩu hiện tại đang giảm sâu, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 20%. Đã vậy, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Trung Quốc đang ngày một giảm mạnh. Đầu ra khó khăn dẫn đến DN cũng e dè trong tăng công suất chế biến, kéo theo sản lượng củ mì tươi của nông dân sau thu hoạch càng khó tiêu thụ.
Hiện các nhà máy mì trong tỉnh thu mua củ mì tươi ở mức 1.400 - 1.500 đồng/kg, cao hơn giá thị trường trong khu vực khoảng 50 đồng/kg. Đơn vị thu mua củ mì tươi nhiều nhất tỉnh là Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đang cố giữ ở mức giá này để giúp người trồng mì giảm bớt khó khăn. Ông Ngô Văn Tươi - Phó Giám đốc công ty cho biết: "Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu tinh bột mì, nhưng công ty vẫn cố gắng giữ giá ở mức cao hơn các tỉnh trong khu vực, đồng hành cùng nông dân vượt qua thời điểm khó khăn này".
Nông dân Sơn Hà thu hoạch mì. |
Giá thấp nhưng việc tiêu thụ củ mì tươi hiện cũng không phải dễ dàng. Nhiều ruộng mì của nông dân đã "quá lứa" vẫn không thể thu hoạch, vì nhà máy chưa bố trí lịch.
Xuất khẩu tinh bột mì gặp khó khăn kéo theo hoạt động chế biến của các nhà máy giảm công suất, thu nhập của người lao động cũng giảm đi rõ rệt. Theo phản ánh của lãnh đạo Nhà máy sản xuất tinh bột mì Sơn Hải, chưa vụ mì nào nhà máy hoạt động khó khăn như năm nay, khiến nhà máy, nhà nông và người lao động đều nằm trong tình trạng "đón Tết kém vui".
Giá củ mì tươi giảm, nông dân trồng mì thua lỗ. Thậm chí sau một năm trồng, chăm sóc họ thu lại chưa được phân nửa số tiền đầu tư. Đã có nhiều nông dân không trồng lại mì nữa, mà chuyển sang trồng đậu phụng, mía, keo. Vì thế, vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh đang dần bị thu hẹp.
Ông Ngô Văn Tươi cho biết: "Công ty đang áp dụng chính sách giữ giá mua cao hơn thị trường, để động viên nông dân tiếp tục trồng lại vụ mì mới, nhằm giữ ổn định nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động". Tuy nhiên, trước tình hình đầu ra bất ổn như hiện nay, chính sách giữ vùng nguyên liệu mì của công ty có lẽ khó khả thi.
Vì đâu mất vị thế?
Theo các DN chế biến, xuất khẩu tinh bột mì, nguyên nhân khiến mặt hàng từng một thời được nhận định là "xuất ngoại sáng giá", chủ yếu là do thị trường tiêu thị truyền thống Trung Quốc sụt giảm sức mua. Năm 2016, tại nước này có đến hàng trăm DN kinh doanh chế biến thực phẩm có sử dụng tinh bột mì phải đóng cửa. Trong khi đó, các DN xuất khẩu tinh bột mì của Quảng Ngãi lại hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Dù cố tìm kiếm, song thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản do điều kiện hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu quá khắt khe, nên sản phẩm tinh bột mì Quảng Ngãi chỉ "lọt" vào thị trường này với sản lượng ít ỏi.
Nguyên nhân gây ra nhiều sức ép nhất cho thị trường xuất khẩu tinh bột mì của Quảng Ngãi trong suốt thời gian qua, chính là sự cạnh tranh khốc liệt từ mặt hàng cùng loại của Thái Lan. Giá cả thấp, chất lượng ổn định của tinh bột mì Thái Lan đã "đánh bật" tinh bột mì Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Ông Ngô Văn Tươi thừa nhận: "Giá củ mì tươi ở Thái Lan chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, tức là giảm 30% so với giá củ mì tươi mà nhà máy thu mua của nông dân trong tỉnh. Từ đó, dẫn đến giá tinh bột mì của Thái Lan cũng giảm theo tương ứng".
Một khó khăn khác mà hiện nay Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đang gặp phải, là tình trạng đóng cửa Nhà máy mì Tịnh Phong, nhưng chưa có nhà máy mới đi vào hoạt động thay thế... Vì vậy, để giữ ổn định vùng nguyên liệu, e rằng cũng là một việc quá sức với công ty trong thời điểm này.
Bài, ảnh: THANH NHỊ