(Báo Quảng Ngãi)- Giờ đây, những món ăn dân dã từ khắp núi rừng đã ngược đường xuống phố, vào tận các khu chợ ở trung tâm, trở thành món ăn yêu thích của người miền xuôi.
Những năm gần đây, ngoài những đặc sản có giá trị cao của vùng rừng núi như quế, hạt ươi, sâm cau... thì những loại sản vật khác như trái hường, ốc đá, rau ranh, măng nứa, cá niên... cũng đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân các huyện miền núi. Chị Đinh Thị Liên ở xã Sơn Hạ (Sơn Hà) kiếm được nguồn thu nhập ổn định từ việc mua bán các loại rau ranh, ốc đá hay ớt hiểm...
Để có nguồn rau, chị lặn lội về tận xã Sơn Thủy hay lên đến tận huyện Sơn Tây để mua hoặc có người đem tới tận nhà bán lại. Người bán chỉ việc bày bán ngay trước nhà, khách đi đường nhìn thấy và ghé lại mua. Giá cả phải chăng mà nguồn thực phẩm sạch, nên được nhiều người lựa chọn.
Rau ranh, ốc đá, ớt hiểm... là những sản vật từ rừng đem lại thu nhập cho người dân miền núi. |
Chị Liên chia sẻ: “Mùa nào tôi bán thức nấy thôi. Chủ yếu là bán cho những người đi công tác, đi ngang qua thấy đồ rừng là họ mua ngay. Thường thì tôi bán ốc đá và ớt núi là chính. Nếu siêng đi lấy hàng thì thu nhập cũng đều đặn”. Lâu lâu chị Liên cũng bán cá niên – loại cá được mệnh danh là ngon và sạch, vì chỉ ăn rong rêu ở những khe đá trên núi, nhưng vì là “đặc sản” nên loại cá này thường được các nhà hàng, hàng quán thu mua.
Có dịp đi ngang đèo Eo Chim (Tây Trà) ai cũng có thể bắt gặp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bày bán vô số món, hầu hết được họ thu hái từ rừng. Người thì bán vài bó măng nứa non, người thì bày mớ rau tập tàng... mỗi loại được cột vào từng bao ni lông bán với giá từ 5.000 - 10.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Hà ở xã Bình Trung (Bình Sơn) cho biết: “Mỗi lần có dịp lên Trà Bồng, Sơn Hà tôi đều mua các loại trái cây, rau rừng về ăn, vì không sợ phun thuốc, ăn cũng lạ miệng. Đôi khi tôi còn mua làm quà cho người thân, bạn bè nữa”.
Các huyện miền núi ở tỉnh ta có rất nhiều loại rau quả rừng đặc trưng, được người tiêu dùng ưa thích, sức mua lớn như rau ranh, rau má, lá khổ qua rừng, trái hường, ớt xiêm... Những loại rau quả rừng này vừa có giá trị dinh dưỡng lại vừa là rau sạch, nên được nhiều người tìm mua. Không chỉ vậy, nắm bắt được nhu cầu thị trường, những loại “thực phẩm sạch” này đã được đem xuống tận những khu chợ ở thành phố để bán, nhưng giá cả cao hơn rất nhiều so với những người bán ở dọc các tuyến đường liên huyện.
Những sản vật từ rừng được người dân khai thác bán phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, giúp cho người dân ở các huyện miền núi có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay người dân chỉ dừng lại ở việc vào rừng tìm hái rau quả về bán lại cho tiểu thương, mà chưa có sự định hướng sản xuất mang tính ổn định, lâu dài. Nếu có sự định hướng cho người dân trong phát triển sản vật rừng cung ứng cho thị trường, đây cũng sẽ là một trong những nguồn đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo cho đồng bào miền núi.
Bài, ảnh: LI LAM