(Báo Quảng Ngãi)- Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng, thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) trở thành một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Hrê. Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa ấy, nhiều bạn trẻ ở Làng Teng đã quảng bá các sản phẩm từ thổ cẩm qua mạng xã hội facebook.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu năm mới Đinh Dậu, chúng tôi may mắn được xem các thiếu nữ Hrê dệt thổ cẩm. Tay họ thoăn thoắt "xỏ chỉ luồng kim" xâu chuỗi từng sợi vải đủ màu sắc đỏ, đen, trắng, xanh, vàng lại với nhau dệt nên những đường nét hoa văn bắt mắt. Vừa chăm đứa con nhỏ 16 tháng tuổi, chị Phạm Thị Găm tranh thủ ngồi vào khung dệt say sưa với nghề.
Tuy mới 35 tuổi, nhưng chị Găm đã có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Chị tự hào nói: "Nghề dệt thổ cẩm như một biểu tượng văn hóa của người Hrê, nên lớp con cháu luôn quyết tâm không để nghề mai một. Tôi được học nghề này từ mẹ, khi con tôi lớn tôi cũng dạy lại cho con".
Các chị ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) chuẩn bị sản phẩm để giao cho khách hàng. |
Cách đó không xa là nhà chị Phạm Thị Chiến (32 tuổi) và Phạm Thị Ty (35 tuổi). Nhà của hai chị đều có một khung dệt thổ cẩm. "Người Hrê ở Làng Teng quan niệm, người phụ nữ mà biết dệt thổ cẩm sẽ nuôi dạy con cái rất tốt. Tôi cũng muốn vậy, nên 15 tuổi tôi theo bà học nghề dệt thổ cẩm truyền thống này", chị Ty tâm sự. Còn chị Chiến, năm 19 tuổi có chồng về Làng Teng, thấy các bà, các mẹ say sưa dệt những tấm thổ cẩm đẹp nên chị xin học và đến bây giờ chị đã dệt được những hoa văn khó nhất.
"Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã duyệt kinh phí hơn 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng Làng văn hóa dân tộc Hrê thôn Làng Teng, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Trong đó có xây dựng nhà sàn truyền thống của người Hrê để trưng bày các sản phẩm truyền thống như cồng chiêng, thổ cẩm... Hy vọng công trình này sớm hoàn thành, thu hút khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu". Chủ tịch UBND xã Ba Thành (Ba Tơ) PHẠM VĂN SÂM. |
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như: Quần áo nam, nữ, tấm choàng địu con, khăn trùm đầu; phụ nữ Làng Teng còn tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ như: Túi xách, ví cầm tay, khăn quàng cổ... Tuy đổi mới, nhưng tiêu chí hàng đầu của chúng tôi là phải giữ được nét đặc sắc của thổ cẩm Làng Teng. Đặc biệt là, những người trẻ ở Làng Teng không chỉ kế thừa những tinh hoa mà các bà, các mẹ để lại, họ còn sáng tạo đưa các sản phẩm lên mạng xã hội để quảng bá.
Chị Chiến cho biết: Trung bình mỗi tháng chị có từ 20 - 30 đơn hàng. Sở dĩ có được nhiều đơn hàng như vậy cũng là nhờ quảng bá sản phẩm lên trang mạng xã hội facebook. Lúc đầu thấy nhiều người bán hàng qua mạng xã hội facebook hiệu quả, nên tôi cũng thử chụp ảnh sản phẩm thổ cẩm rồi đăng lên, nào ngờ được nhiều người hỏi thăm và đặt mua".
Không chỉ chị Chiến mà rất nhiều phụ nữ ở Làng Teng đã biết cách bán sản phẩm làm từ thổ cẩm qua mạng xã hội facebook. Chị Phạm Thị Hinh (26 tuổi) đang ngồi bên cạnh giúp chị Chiến chuẩn bị hàng giao cho khách không ngần ngại chia sẻ: "Trước đây, bán sản phẩm chỉ qua người quen, nay thông qua mạng xã hội facebook, chúng tôi ngày càng có nhiều đơn đặt hàng từ Bình Định, Gia Lai, KonTum, Đắc Lắc... Không những đồng bào dân tộc thiểu số mà người Kinh cũng liên hệ đặt hàng. Nếu ai làm siêng, dệt đẹp thì bình quân mỗi tháng cũng kiếm được 3 đến 5 triệu đồng từ nghề dệt thổ cẩm".
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG