Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất: Áp dụng nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

09:02, 28/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Việc Tập đoàn Hòa Phát chính thức đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Ngoài ra với những công nghệ mới, Hòa Phát cam kết đảm bảo giữ sạch môi trường trong quá trình sản xuất.
 
Chấm dứt 10 năm trì trệ
 
Đầu tháng 2.2017, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất đã đón nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Với việc đón nhận giấy chứng nhận đầu tư này, Hòa Phát chính thức thay thế Guang Lian được cấp phép đầu tư phát triển hơn 10 năm nay, nhưng bị trì trệ trong việc triển khai xây dựng mà nguyên nhân chính là không đáp ứng về năng lực tài chính.
 
Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất được hình thành từ năm 2006. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, tiến độ xây dựng dự án dường như dậm chân tại chỗ, chỉ mới có cọc sắt trên những bãi đất trống rộng hàng trăm ha, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai.
 
Khởi đầu dự án nhà máy luyện thép Dung Quất là Công ty Tycoons (Đài Loan) đề xuất. Dự kiến nhà máy sẽ có công suất 5 triệu tấn thép/năm và tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
 
Không lâu sau đó, dự án có thêm nhà đầu tư mới là Công ty E-United. Hai nhà đầu tư đến từ Đài Loan này nâng vốn cam kết của dự án lên 3,3 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn giữ công suất như cũ và đổi tên thành dự án Nhà máy Thép Guang Lian. Theo giấy phép đầu tư, E-United trở thành nhà đầu tư chính nắm quyền chi phối dự án với tỷ lệ vốn góp lên đến 90%, Tycoons chỉ góp 10%.
 
Năm 2011, hai nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh quy mô công suất nhà máy từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn thép/năm, đồng thời vốn đầu tư cũng tăng lên thành 4,5 tỉ đô la Mỹ. Đề xuất này chưa cấp lại giấy chứng nhận, vì nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án.
 
Những diện tích đất bỏ hoang 10 năm nay sẽ được
Những diện tích đất bỏ hoang 10 năm nay sẽ được Hòa Phát triển khai xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép.
 
Mất một khoảng thời gian khá dài, việc thu xếp vốn của E-United gần như bế tắc thì đầu năm 2012, dự án này được Tập đoàn JFE (Nhật Bản) để ý tới. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm nghiên cứu, đến tháng 9.2014 JFE chính thức thông báo không tham gia đầu tư vào dự án.
 
Sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án thép Guang Lian, nhà đầu tư lớn còn lại là E-United đã đề nghị điều chỉnh giảm vốn dự án này xuống còn 2 tỉ đô la Mỹ.
 
Vào giữa năm 2015, Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư chính của dự án thép Guang Lian đã chính thức thông báo với cơ quan quản lý về việc không thể thu xếp tài chính để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư nói trên của mình. Sau đó, tháng 7.2016 Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Nhà máy thép Guang Lian.
 
Áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng và bảo vệ môi trường 
 
Như vậy, Hòa Phát trở thành nhà đầu tư mới thay thế Guang Lian. Dự án thép Hòa Phát được triển khai trên khoảng 372,7ha, trong đó gần 340ha xây dựng nhà máy và gần 27ha xây dựng cảng chuyên dùng, với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng; công suất 4 triệu tấn/năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn.
 
Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ thực hiện theo công nghệ lò cao, khép kín theo mô hình mà tập đoàn Hòa Phát đã triển khai thành công ở tỉnh Hải Dương. Đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo đó, công nghệ trên được sử dụng sản xuất than coke sử dụng công nghệ dập coke thô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, triệt tiêu sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất.
 
Hiện nay, Hòa Phát đã áp dụng biện pháp thu hồi nhiệt từ vùng thiêu kết và làm nguội, tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào, nâng cao trình độ thao tác vận hành, cải tiến thiết bị tại khu thiêu kết. 

 

Hòa
Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ thực hiện theo công nghệ lò cao, khép kín theo mô hình mà tập đoàn Hòa Phát đã triển khai thành công ở tỉnh Hải Dương.
 
Tại công đoạn luyện – cán thép, với tiêu chí tận dụng khai thác tối đa các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường, Hòa Phát đã áp dụng cơ chế thu hồi khí thải cũng như các nguyên vật liệu khác để tái sử dụng trong sản xuất thép. Khi sản xuất gang, thép bằng công nghệ lò cao sẽ sinh ra hỗn hợp nhiều loại khí khác nhau. Lượng khí này được thu hồi và xử lý làm sạch qua các hệ thống lọc bụi như lọc bụi túi vải, lọc bụi kiểu ướt, lọc bụi tĩnh điện để làm sạch bụi.
 
Sau đó, hỗn hợp khí sạch được chứa tại bồn chứa khí, từ đây khí sẽ được cấp tái sử dụng cho lò gió nóng, làm chất đốt tại các khâu sản xuất khác nhau như sử dụng tại lò vôi để nung vôi luyện kim; nung quặng viên tại lò vê viên, thiêu kết quặng sắt tại khu thiêu kết…
Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất  được chia thành 2 giai đoạn và sẽ được đầu tư xây dựng hoàn thành trong 4 năm. Sản phẩm giai đoạn I gồm 1 triệu tấn/năm thép dài xây dựng (thép thanh vằn) và 1 triệu tấn/năm thép dây cuộn chất lượng cao và giai đoạn II là 2 triệu tấn/năm thép dẹp cuộn cán nóng bề dày từ 1,2mm đến 19mm, khổ rộng từ 700 - 1.650mm nhằm phục vụ cơ khí chế tạo.
 
Dự kiến sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm và tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động. Dự án sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho ngân sách 4.000 tỷ đồng mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất.
 
Ngoài ra, lượng bụi thu hồi của hệ thống lọc bụi là hỗn hợp chứa hàm lượng sắt cao đã được tái sử dụng tại khâu sản xuất thiêu kết quặng sắt, nguyên liệu cho lò cao. Các giải pháp trên đã góp phần làm giảm tiêu hao điện 30-40% ở công đoạn lò cao và giảm tiêu hao khí đốt 20-30% ở công đoạn cán thép.
 
Nhà máy sản xuất than coke và nhiệt điện Hòa Phát cũng áp dụng cơ chế thu hồi nhiệt để phát điện. Toàn bộ khí, chất thải sinh ra từ quá trình luyện coke được triệt tiêu và thu hồi hoàn toàn để chạy turbin máy phát điện, không xả ra môi trường. Đây thực sự là nét ưu việt về công nghệ mà hiếm có nhà sản xuất thép nào tại Việt Nam có được, góp phần đem lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho thép Hòa Phát.
 
Không dừng lại ở đó, hiện Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đã có sáng kiến tái sử dụng nguồn nước sau xử lý, nước làm mát thiết bị. Đối với nguồn nước làm mát gián tiếp làm mát động cơ, hộp giảm tốc, quạt,… sau khi kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng nước vẫn đạt tiêu chuẩn nước công nghiệp, chỉ có nhiệt độ tăng lên được thu gom để tái tuần hòan sử dụng cho tháp giải nhiệt, nước rửa xe, nước sinh hoạt cho các khu vực sản xuất và phối trộn nguyên liệu.
 
Trên thực tế, tỷ lệ thu hồi đạt tới trên 70%. Đối với nguồn nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt, Công ty đã xây dựng một hệ thống thu gom riêng biệt. Nước thải thu gom sẽ được đưa qua trạm xử lý đạt chuẩn và đưa về tái sử dụng cho tháp dập coke không thải ra môi trường
 
Theo ông Hoàng Đức Thuận – Giám đốc Công ty CP Năng lượng Hòa Phát, việc áp dụng các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, mỗi năm làm lợi hàng tỷ đồng. Quan trọng hơn là tiết kiệm được nguồn nước và tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến môi trường do toàn bộ nước thải được tuần hoàn tái sử dụng, không xả ra môi trường.
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.