Trồng nấm rơm thu nhập cao nhờ trạm khuyến nông "tiếp sức"

02:01, 29/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Nhờ tiếp thu, học hỏi kĩ thuật, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình kinh tế sang trồng nấm rơm, gia đình ông Huỳnh Ngọc Lộc (xóm 1, thôn An Châu, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn) đã có thu nhập trăm triệu đồng từ nấm. 

TIN LIÊN QUAN

Ông Huỳnh Ngọc Lộc cùng vợ kiểm tra trại nấm rơm. Ảnh: P.L
Ông Huỳnh Ngọc Lộc cùng vợ kiểm tra trại nấm rơm. Ảnh: P.L
 
Cách đây 5 năm, ngành nông nghiệp xã Bình Thới, huyện Bình Sơn vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất lúa gạo và chăn nuôi. Tuy nhiên, các giống cây trồng vật nuôi này vẫn chưa cho hiệu quả kinh tế cao. Như bao hộ nông dân khác, ông Huỳnh Ngọc Lộc quanh năm chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, nuôi thêm heo, gà, trồng rau cũng chỉ đủ xoay sở vì phải nuôi bốn người con ăn học.
 
Để chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2011, Trạm khuyến nông huyện Bình Sơn phối hợp với Hội nông dân xã Bình Thời triển khai mô hình trồng nấm rơm trên địa bàn xã. Khi tham gia mô hình này, ông Lộc đã được Trạm khuyến nông đầu tư bạt ni lông để làm trại, toàn bộ meo giống để làm nấm rơm và các vật tư khác hỗ trợ cho mô hình.
 
Đồng thời, cán bộ kĩ thuật của trung tâm khuyến nông dân đã hướng dẫn ông tận tay từ khâu chuẩn bị nơi trồng nấm, ngâm ủ nguyên liệu, cấy sống, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch.
 
Sau khoảng hơn 20 ngày ngâm ủ nguyên liệu, 200kg rơm làm thử nghiệm đã cho 37kg nấm tươi trong gần một tháng thu hoạch, với giá bán 60 nghìn đồng/kg nấm, gia đình ông thu về 2,2 triệu đồng, một khoản thu nhập đáng kể trong thời gian ngắn.
 
Thời gian từ lúc ủ ngâm ủ nguyên liệu đến lúc có nấm rơm  tươi khoảng hơn 20 ngày. Ảnh: T.Hảo.
Thời gian từ lúc ủ ngâm ủ nguyên liệu đến lúc có nấm rơm tươi khoảng hơn 20 ngày. Ảnh: T.Hảo.
 
Thời điểm này, kinh tế gia đình tương đối eo hẹp do hai con ông đang theo học các trường ở TP. Hồ Chí Minh. Nhận thấy thành công của mô hình, năm 2012, ông Lộc quyết định nghỉ chăn nuôi heo,gà, chuyển mảnh vườn trồng rau sang làm 3 trại nấm để có nấm tươi bán hằng ngày tạo nguồn thu nhập nuôi con ăn học.
 
Không còn cảnh "nông nhàn", bởi làm nấm phải trải qua nhiều công đoạn, khâu thu hoạch diễn ra từ giữa đêm đến mờ sáng, vợ chồng ông Lộc thay phiên nhau chăm sóc, thu hoạch nấm. Dần dà, các trại nấm của ông Lộc trở thành một trong những đầu mối cung cấp nấm rơm chính cho chợ Châu Ổ, huyện Bình Sơn.
 
Một năm, 4 trại nấm của ông sử dụng khoảng 10 tấn rơm khô, với cách làm gối vụ, 4 trại nấm của ông thay phiên nhau cho "ra lò" nấm quanh năm. Mỗi đợt trồng nấm, một trại sử dụng 500kg rơm khô, cho thu hoạch trung bình 60kg nấm tươi, với giá bán trung bình 65 nghìn đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông Huỳnh Ngọc Lộc thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
 
Tại Hội nghị Tổng kết Các mô hình trình diễn giai đoạn 2011-2016 do UBND huyện Bình Sơn tổ chức mới đây, ông Lộc là một trong 7 cá nhân nhận giấy khen nhờ thành tích trong triển khai mô hình trình diễn trong sản xuất nông nghiệp.
 
Nói về "bí quyết" trồng nấm rơm thành công, ông Huỳnh Ngọc Lộc cho biết ngoài nỗ lực của gia đình còn có sự hỗ trợ rất lớn của Trạm khuyến nông trong việc hỗ trợ meo giống, kĩ thuật chăm sóc, phòng ngừa nấm bệnh. "Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ các loại meo giống tốt và kĩ thuật giúp nhân rộng mô hình, tạo cơ hội cải thiện kinh tế cho nông dân", ông Lộc chia sẻ.
 
Phạm Linh

.