(Báo Quảng Ngãi)- Để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, một trong những mục tiêu mà tỉnh đề ra là các huyện miền núi phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN). Tuy nhiên, có một thực trạng là kế hoạch có, nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng. Minh chứng rõ nhất là đóng góp của lĩnh vực CN vào cơ cấu kinh tế - xã hội của 6 huyện miền núi còn rất thấp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công nghiệp phát triển... cầm chừng
Là huyện miền núi có nhiều lợi thế khi có Quốc lộ 24 chạy qua và định hướng phát triển CN được lãnh đạo huyện Ba Tơ đề ra hơn 10 năm trước để thực hiện. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh quy hoạch xây dựng 2 cụm CN: Thị trấn Ba Tơ (1,8ha) và Ba Động (25ha). Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào hai cụm CN này đến nay rất khiêm tốn, khi chỉ có 4 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 46 tỷ đồng, trong đó có 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ. Và kết quả đóng góp của lĩnh vực CN - tiểu thủ CN - xây dựng năm 2016 chỉ đạt 285,2 tỷ đồng.
Nhà máy chế biến tinh dầu quế Trà Bồng, dự án công nghiệp lớn nhất ở Trà Bồng hoạt động cầm chừng. |
Còn huyện miền núi Trà Bồng, dù lĩnh vực CN cũng được huyện tập trung thực hiện trong thời gian qua bằng việc quy hoạch, kêu gọi nhà đầu tư. Thế nhưng, đóng góp của ngành này trong tổng cơ cấu chung của huyện cũng ở mức khiêm tốn. Phát triển CN ở huyện vùng cao này chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp là chính.
Trong đó, điểm nhấn của huyện này ngoài thu hút được các nhà máy chế biến dăm gỗ thô thì việc kêu gọi được một nhà đầu tư dự án Nhà máy chế biến tinh dầu quế với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Những tưởng cú huých từ nhà máy này sẽ giúp ngành CN Trà Bồng phát triển. Tuy nhiên, sau hơn ba năm kể từ ngày đầu tư, giờ nhìn lại nhà máy này đang nằm trong cảnh hoạt động... cầm chừng.
Tương tự là huyện miền núi Sơn Hà, từ những năm 2000 cũng đã tính chuyện phát triển CN. Nhưng rồi, sau 16 năm huyện này đã xin xóa quy hoạch hai cụm CN Sơn Thượng và Sơn Hải do không thu hút được nhà đầu tư. Và vào năm 2015, huyện Sơn Hà quy hoạch CCN Sơn Hạ, với diện tích 25ha, đến nay CCN này vẫn vắng hoe khi chỉ có sự hiện diện của nhà máy chế biến dăm gỗ Nhất Hưng Sơn Hà.
Ở những huyện có lợi thế về “địa lợi", nhân lực đã vậy, thì chuyện các huyện khó như Sơn Tây, Tây Trà, Minh Long việc phát triển CN càng khó khăn hơn.
Làm gì để CN vùng cao phát triển?
Phát triển CN là xu hướng chung trong thời kỳ hội nhập, bởi cơ giới hóa và tạo ra hàng hóa từ lĩnh vực này mới có thể giúp cho cơ cấu chung của nền kinh tế phát triển. Thế nên, những định hướng, kế hoạch để phát triển CN cho 6 huyện miền núi là rất đúng. Tuy nhiên, kết quả trong hơn chục năm định hướng đang là vấn đề các cấp, ngành và quan trọng hơn hết là các huyện cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc để “sửa sai” và làm tốt hơn.
Theo ông Phùng Tô Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, phát triển CN là vấn đề nan giải của hầu hết các huyện miền núi, chứ không riêng gì Sơn Hà. “Để CN phát triển cần có cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Còn hiện tại chúng ta để doanh nghiệp “tự bơi” trong việc thỏa thuận với dân trong giải phóng mặt bằng để xây nhà xưởng, khó mà thu hút được nhà đầu tư”, ông Long nói.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven thì cho rằng, tỉnh phải xây dựng một cơ chế “đặc biệt” trong thu hút nhà đầu tư vào các huyện miền núi như miễn thuế thuê đất, hỗ trợ vốn trong khâu GPMB... Riêng với Sơn Tây, nhìn nhận một thực tế là ngoài các dự án thủy điện, thì huyện chẳng có gì. “Để thu hút một doanh nghiệp trong lĩnh vực CN về miền núi là không hề dễ dàng, bởi địa thế xa Quốc lộ 1, xa cảng biển, bến tàu. Muốn phát triển CN cần phải làm tập trung, đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông và kêu gọi những doanh nghiệp thực sự có tâm, có tầm chuyên sản xuất, chế biến những sản phẩm có nguồn gốc từ miền núi thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư về miền núi. Khi đó, ngành CN ở các huyện miền núi mới phát triển được”, ông Ven nói.
Bài, ảnh: L. ĐỨC