(Baoquangngai.vn)- Hội chợ là sự kiện xúc tiến thương mại thường niên được tổ chức phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng ngày càng chán ngán với mô hình này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nói đến hội chợ, người ta nghĩ ngay đến nơi quy tụ hàng hóa phong phú, người tiêu dùng có thể thỏa sức tham quan, mua sắm liên gian hàng, không tốn nhiều thời gian chạy ngược chạy xuôi hết nơi này đến nơi khác mà giả cả lại rẻ hơn thị trường.
Hội chợ Xuân Quảng Ngãi 2017 đang diễn ra trên đường Hoàng Hoa Thám, phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) mở cửa từ ngày 14.1 đến hết ngày 22.1.2017 cũng như các hội chợ được tổ chức trước đây, nhằm giúp người dân tiếp cận được mặt hàng chất lượng với giá cả hợp lý, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia giao lưu hợp tác; quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Nghe thì ý nghĩa là vậy, nhưng thực tế những gì diễn ra trái ngược hẳn. Trong khi các cơ quan chức năng khuyến nghị người dân mua và sử dụng hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhất là hàng Việt thì tại hội chợ vẫn còn xuất hiện nhiều loại hàng hóa mù mờ thông tin xuất xứ, chất lượng kém.
Hàng đại hạ giá, vẫn vắng khách. |
Trái với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, hội chợ trở thành nơi phô diễn của hàng dỏm, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhãn mác mù mờ đã vô tình tạo cơ hội để các loại hàng hóa này xâm nhập thị trường một cách công khai.
Tại hầu hết các quầy hàng, sản phẩm được bày bán sặc sỡ sắc màu, giá rẻ đến không ngờ. 1 chai sữa tắm hiệu Con Dê dung tích 1.200ml chỉ có giá 35.000 đồng, mua 3 chai giảm giá xuống còn 100.000 đồng kèm theo khuyến mãi 1 chai nước rửa chén.
Túi bột giặt hiệu KOMO loại “khủng” 3,2kg, 1 chai sữa tắm dung tích 1.200ml kèm theo nước xả vải, nước rửa chén chỉ có giá 160.000 đồng, rẻ gấp đôi so với thị trường. “Siêu thị 10.000 đồng” thì rao bán tất cả các món hàng chỉ có 10.000 đồng; 2 lít nước mắm Nam Ngư cũng chỉ 10.000 đồng.
Đặc biệt, quần áo và túi xách logo nhái các thương hiệu nổi tiếng tràn lan.
Một chiếc ví cầm tay nhái thương hiệu Gucci chỉ có giá 90.000 đồng. Chất liệu sản phẩm cứng, thô và đường may rất xấu, thậm chí là sứt chỉ. Trong khi đó, cũng giá này có thể mua sản phẩm vừa đẹp, chất liệu mềm, bền tại các chợ trên địa bàn.
Siêu thị 10.000 đồng chỉ lác đác vài người đến xem. |
Rất nhiều giày, dép chất thành đống, mắt kính, giỏ xách, dây nịt,… giá chỉ vài chục vẫn vô tư bày bán với thương hiệu nổi tiếng. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường đã thấy kém chất lượng. Người dân tìm đến hội chợ đông như hội, chật trong chật ngoài, nhưng rốt cuộc chẳng tìm được món hàng nào để mua.
“Hội chợ lần nào cũng như lần nào, toàn mấy thứ đồ dỏm. Năm ngoái tôi mua đôi giày bệt 70.000 đồng, được cô nhân viên nói bảo đảm đi êm, bền vậy mà vừa đi ra đến cổng đã hở hàm ếch. Quần áo cho hai đứa nhỏ mới giặt một nước đã xù lông, sứt đường chỉ. Năm nào cũng thế nên chẳng muốn đi hội chợ dù ở sát nhà mình”- chị Hoa ở thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) nói.
Còn bà Hoa, một khách hàng khác thì chán nản chia sẻ: “Biết là điều kiện kinh tế của gia đình chưa khấm khá, không thể mua sắm hàng hiệu, nhưng không vì thế mà tôi bỏ tiền ra để “tiếp tay” cho những sản phẩm kém chất lượng. Ra chợ quê mua hàng còn đẹp và bền hơn ở đây".
Tâm lý khách hàng tới các hội chợ để tìm kiếm các mặt hàng mới, lạ, phù hợp với nhu cầu của mình. Sự lặp đi lặp lại các mặt hàng kém chất lượng, đơn điệu, xả hàng, giảm giá khiến khách hàng chẳng còn háo hức đến để mua sắm.
Đó cũng là nguyên nhân khiến người dân chẳng còn mặn mà với hội chợ. Nhiều gian hàng không một bóng khách ghé thăm. Người đi xem thì nhiều mà mua thì ít, chủ yếu khách hàng là nam nữ thanh niên và các mẹ có con nhỏ là đến để xem chương trình văn nghệ. Thực tế cho thấy mô hình này đã quá lỗi thời!
Bài, ảnh: PV