Giá ớt tăng, giá heo giảm, nông dân thua lỗ

02:01, 23/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi ớt tăng giá mạnh, thì heo hơi lại giảm giá kỷ lục, khiến nông dân buồn rầu...

TIN LIÊN QUAN

Ôm nợ vì heo

Đến chiều 24 tháng Chạp, nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) vẫn chưa bán được 10 con heo thịt. Với trọng lượng 50-60kg/con, tổng chi phí thức ăn mỗi ngày cho đàn heo thịt tốn gần 500.000 đồng, khiến ông Tuấn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để có điều kiện tái đàn và sắm Tết, ông Tuấn nôn nóng bán heo, nhưng thương lái chỉ trả 36.000 đồng/kg khiến ông hụt hẫng.

“Nếu bán hết 10 con, tôi thu được 20 triệu đồng, trong khi số tiền nuôi heo đã hơn 19 triệu đồng. Lứa heo này tôi bị lỗ nặng”, ông Tuấn cho biết. Theo ông Tuấn, giá heo hơi hiện nay dao động từ 36.000 - 38.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với Tết năm ngoái. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi heo không chỉ thua lỗ, mà còn gặp khó khi xuất bán, vì thương lái ép giá.

Nông dân thu hoạch ớt bán Tết.
Nông dân thu hoạch ớt bán Tết.


Nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ để bán dịp Tết cũng rơi vào tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, vì không có vốn quay vòng đầu tư, nên họ đành chấp nhận bán heo giá rẻ. Điều nghịch lý là dù giá heo hơi giảm mạnh, nhưng tại các chợ, sạp hàng, giá thịt heo lại tăng. Theo các tiểu thương, giá thịt tăng là do chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển heo từ nơi chăn nuôi đến lò mổ, rồi đến các chợ và sạp hàng. Hơn nữa, thời điểm cận Tết, nhu cầu thịt heo tăng mạnh nên phải sau Tết, giá thịt heo mới giảm!

Tiếc rẻ với ớt

Trong khi người chăn nuôi ôm nợ với heo, thì những hộ trồng ớt lại tiếc rẻ vì không có ớt để bán. Nhất là khi giá ớt liên tục tăng và không có dấu hiệu giảm nhiệt. Vụ ớt năm 2016, giá ớt đã xác lập kỷ lục với mức 65.000-70.000 đồng/kg thì hiện nay, mỗi ký ớt đã có giá trên 100.000 đồng. Vì vậy, thay vì nhộn nhịp sắm Tết, người trồng ớt trong tỉnh lại tất bật ngoài đồng để chăm sóc cây hoặc hái quả. Hơn nữa, vì ớt được giá nên có bao nhiêu, thương lái mua hết chứ không phân loại, rồi trả giá theo "chất lượng" như mọi năm. Điều này càng khiến nông dân tiếc rẻ vì không có ớt để bán. Ông Nguyễn Minh, thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn) cho rằng, thời điểm này mọi năm là gia đình đã bắt đầu thu hoạch ớt, nhưng năm nay thì phải... làm đất, trồng lại! “Mưa lụt khiến cây ớt chết nhiều. Giờ phải làm lại, không biết sau Tết giá ớt có còn cao thế này không”, ông Minh lo lắng.

Cùng với nông dân, thương lái cũng hối hả gom ớt cung ứng cho bạn hàng. Giống như vụ ớt năm 2016, giá ớt hiện giờ cũng liên tục biến động. Theo chia sẻ của nhiều thương lái, mỗi ngày giá ớt thay đổi 4 - 5 lần. Nhất là thời điểm đầu vụ thu hoạch, nên mỗi ngày họ chỉ thu mua và xuất đi 2 - 3 tấn ớt, không đáp ứng đủ nhu cầu của bạn hàng các tỉnh phía Bắc. Đối với tình trạng giá ớt liên tục tăng cao, thương lái cho rằng, đó là do nhiều diện tích ớt ở các tỉnh miền Trung bị hư hại do mưa lụt hồi giữa tháng 11, cộng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh.

Rõ ràng, giá ớt tăng, giá heo thịt giảm là do phía thương lái Trung Quốc quyết định khi mà đầu ra của các mặt hàng này đều gắn chặt với thị trường Trung Quốc. Dù biết sẽ không tránh khỏi rủi ro, nhưng nông dân vẫn bất chấp, bỏ qua khuyến cáo của ngành chức năng để thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mở rộng quy mô sản xuất. Và với giá ớt tăng kỷ lục như hiện nay, nông dân sẽ lại tiếp tục mở rộng quy mô trồng ớt trong những năm tiếp theo. Đây là thách thức cho ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.