(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn) cung cấp cho thị trường Tết hàng trăm tấn kiệu. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, cộng với sâu bệnh hoành hành, khiến toàn bộ diện tích trồng kiệu nơi đây bị hư hại, ảnh hưởng đến năng suất...
Đầu tư cao
Hằng năm, thôn Long Yên trồng khoảng 20ha kiệu để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Đây là loại la-ghim đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, do giá kiệu giống năm nay tăng cao, có thời điểm cao gấp đôi so với mọi năm, nên diện tích trồng kiệu đã giảm xuống chỉ còn 1/3. Cùng với đó là thời tiết không thuận lợi, khiến người trồng kiệu gặp nhiều khó khăn.
Thời tiết không thuận lợi, khiến người trồng kiệu gặp nhiều khó khăn. |
Bà Lê Thị Thảo, thôn Long Yên chia sẻ: “Chúng tôi thường lấy kiệu giống ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) hoặc ở Đồng Tháp. Mọi năm trung bình 1kg kiệu giống chỉ 40.000 đồng. Vậy mà năm nay tăng lên 50.000 đồng và có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg, làm cho chi phí đầu tư đội lên rất cao”.
Để trồng một sào kiệu tốn 27kg củ giống. Với giá trung bình 50.000 đồng/kg thì một sào đã mất gần 1,5 triệu đồng. Nếu tính thêm các khoản chi phí khác cũng phải lên đến 3 triệu đồng/sào. Mặc dù vậy, người dân thôn Long Yên vẫn luôn gắn bó với nghề trồng kiệu, vì đây là cây truyền thống của địa phương, hiệu quả kinh tế cao.
Năng suất giảm
Bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Long Yên bảo: “Kiệu trồng đã 3 tháng, chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch mà chỉ cao bằng cây hẹ, lấy củ đâu mà bán. Kiểu này năm nay thua lỗ nặng, chứ đừng nói đến chuyện huề vốn!”.
Theo tính toán của người dân, trung bình một sào kiệu cho năng suất khoảng 1 tấn. Riêng những hộ làm giỏi thì năng suất có thể đạt 1,4 tấn/sào. Như vậy, với giá trung bình 10.000 đồng/kg như mọi năm, một sào kiệu sẽ thu được từ 8 – 10 triệu đồng, thậm chí là 14 triệu đồng nếu năng suất cao. Tuy nhiên, năm nay dự báo năng suất kiệu sẽ giảm đi một nửa so với năm trước, khiến người dân nơi đây đối mặt với nguy cơ thất thu.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long Phạm Đình Dương, cho biết: “Thời tiết thất thường, nắng gắt vào đầu mùa khiến kiệu ít phát triển. Đến giai đoạn kiệu nuôi củ thì mưa liên tiếp làm dập lá, trôi dạt và sâu bệnh phá hại. Cái khó hiện nay là chưa có thuốc đặc trị cho kiệu, nên bà con phải dùng thuốc cho cây hành để bơm cho cây kiệu. Điều này gây khó khăn cho việc diệt trừ sâu bệnh, khiến năng suất cây trồng giảm mạnh”.
HỒNG HOA