(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, vụ sản xuất lúa đông xuân 2016 - 2017 thực hiện từ ngày 20.12.2016. Tuy nhiên, mưa lũ kéo dài khiến đồng ruộng ngập úng, kênh mương và công trình thủy lợi hư hỏng, nên thời gian xuống giống dự kiến sẽ phải lùi đến cuối tháng 12.
Kênh lở, ruộng bồi
Đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 29.11 đến nay, khiến nhiều tuyến kênh chủ lực như: N6 Liệt Sơn, B10 Thạch Nham, B2 Núi Ngang, N8 Thạch Nham... tan hoang. Tại tuyến kênh N8, kênh dẫn nước tưới hàng nghìn hécta sản xuất lúa của hai huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa đã bị đứt, vỡ hàng chục điểm; mái kênh bị nước “lột” lớp bê tông, chỉ còn trơ đất; còn lòng kênh thì bị hàng nghìn mét khối đất, đá bồi lấp...
Trong khi đó, người dân có đất sản xuất bị sa bồi thủy phá cũng khắc khoải lo không kịp xuống giống vụ đông xuân. Tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), mưa lụt không chỉ khiến tuyến kênh Suối Chí bị tê liệt hoàn toàn, mà 15ha đất sản xuất ở đồng Giữa cũng trở thành bãi chứa đất, đá. Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Đào Thanh Công cho biết: “Việc khắc phục kênh lở, ruộng bồi đã vượt quá khả năng của người dân và chính quyền xã”.
Bờ kênh B2 Núi Ngang bị vỡ. |
Không chỉ kênh, đập ngăn mặn Đức Lợi mà đợt mưa lũ từ ngày 29.11 đến nay, toàn tỉnh có đến trên 50km kênh mương và 20 đập dâng, trạm bơm, kè, cống tiêu kiên cố bị sạt lở và bồi lấp. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra cho ngành nông nghiệp (sản xuất và thủy lợi) ước trên 30 tỷ đồng. Những thiệt hại trên đã khiến “việc tưới tiêu thực sự căng thẳng ngay trong vụ đông xuân này”, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Nguyễn Lập chia sẻ.
Tiến thoái lưỡng nan
Chiều 17.12, bên cạnh việc khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh cũng tập trung tái thiết sản xuất theo phương châm “nước rút đến đâu, làm đất gieo sạ đến đó”. Tuy nhiên, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông báo: Từ đêm ngày 18 - 31.12, miền Trung sẽ tiếp tục có những đợt mưa to đến rất to. Điều này khiến việc triển khai sản xuất vụ đông xuân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu các giải pháp tổ chức sản xuất hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông xuân ở miền Trung.
Trong khi đợi sự hướng dẫn từ phía Bộ NN&PTNT, các ngành chức năng và bà con nông dân trong tỉnh cũng dồn sức dọn đồng, làm đất để sẵn sàng xuống giống khi điều kiện cho phép. Tuy nhiên, vì đồng ruộng nhiều nơi vẫn còn ngập sâu trong nước, nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Lập - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, cho biết: Hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi do đơn vị quản lý bị hư hỏng rất nặng nề. Nhưng hiện nay, nước lũ chưa rút, nên đơn vị cũng chưa thể triển khai các biện pháp khắc phục.
Đảm bảo chất lượng, ổn định giá giống, vật tư
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô. Lịch thời vụ trễ, nhưng để đảm bảo thời gian lúa trổ tập trung (tháng 3 âm lịch), cơ cấu giống sẽ chú trọng vào các loại ngắn ngày và cực ngắn ngày (85 - 90 ngày). Đối với vùng trũng, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân gieo mạ cấy để đảm bảo tiến độ gieo sạ.
Về chất lượng giống, vật tư phục vụ sản xuất vụ đông xuân, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác thanh kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón, giống lúa vụ đông xuân năm 2016 - 2017 tại một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh; các cửa hàng, đại lý mua bán giống trong toàn tỉnh. Ông Trần Tuấn Khanh - trưởng Đoàn thanh tra Sở NN&PTNT cho biết, hầu hết các loại giống, phân bón được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và nằm trong danh mục cơ cấu của ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, Đoàn thanh tra cũng thu mẫu của một số giống, phân bón gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng. “Kết quả phân tích nếu giống nào không đảm bảo chất lượng, chúng tôi sẽ đề xuất ngành chức năng xử lý nghiêm những đơn vị, cơ sở liên quan”, ông Khanh khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ HOA