Giá mía tăng, vùng nguyên liệu ổn định

09:12, 06/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Niên vụ 2016 - 2017, giá thu mua mía nguyên liệu đạt 1 triệu đồng/tấn, tăng 100 nghìn đồng/tấn so với vụ trước. Giá tăng, vùng nguyên liệu mía hứa hẹn sẽ ổn định...

TIN LIÊN QUAN

Được mùa, được giá

Ông Nguyễn Văn Mười, người trồng mía ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), cho biết: “Giá tăng, năng suất đạt, người trồng mía cũng sẽ ăn Tết vui”. Vụ mía 2016 - 2017, ông Mười không còn nhọc công làm đất, rạch hàng trồng mía hay phải bón phân chăm sóc như trước, những công đoạn này nay đã có máy móc đảm nhận.

Việc thay đổi quy trình sản xuất không chỉ giúp thời gian trồng một hécta mía giảm từ 15 – 20 ngày xuống còn 1 – 2 ngày, mà năng suất cũng tăng vượt bậc. “Nhà máy Đường Phổ Phong bảo hiểm năng suất 90 tấn/ha, nhưng năng suất thực tế đạt đến 96 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, tôi lãi gần 150 triệu đồng”, ông Mười cho hay.

Giá mía tăng cao, góp phần ổn định vùng nguyên liệu.
Giá mía tăng cao, góp phần ổn định vùng nguyên liệu.


Còn ông Huỳnh Thân, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cũng phấn khởi khi nói về cây mía. Niên vụ 2015 - 2016, vì chưa tin tưởng hiệu quả của quy trình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía, nên ông Thân chỉ “thử” trên 1ha. Kết quả, năng suất đạt 85 tấn/ha, trong khi diện tích mía được ông Thân trồng theo cách truyền thống chỉ đạt 52 tấn/ha. Vì vậy, niên vụ năm nay, ông Thân mạnh dạn trồng 4ha mía theo quy trình cơ giới hóa và năng suất ước đạt 90 tấn/ha. “Với giá mía 1 triệu đồng/tấn, tôi có lãi 100 triệu đồng”, ông Thân cho biết.

Theo đại diện Nhà máy Đường Phổ Phong, vụ mía 2016-2017, diện tích mía trồng theo quy trình cơ giới hóa là 560ha. So với mía đại trà, mía trồng theo quy trình này chi phí giảm 40 - 50%, năng suất cao hơn 35%, lợi nhuận cũng tăng 30 - 35 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể, toàn bộ diện tích mía trồng theo quy trình cơ giới hóa sẽ được Nhà máy Đường Phổ Phong cam kết bảo hiểm năng suất từ 80 - 100 tấn/ha, nên người trồng mía rất yên tâm. “Vụ mía 2015, chỉ có 106ha mía được trồng theo quy trình cơ giới hóa. Nhưng với kết quả đạt được, diện tích mía trồng theo quy trình này tăng qua từng năm và sẽ đạt 1.000ha vào năm tới”, ông Nguyễn Xuân Hảo - Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong cho biết.

Tín hiệu vui từ nông dân

Diện tích mía vụ 2016 - 2017 chuẩn bị thu hoạch chỉ còn 2.600ha, nên sản lượng cũng chỉ đạt 160 nghìn tấn mía nguyên liệu, đáp ứng 70% nhu cầu hoạt động của Nhà máy Đường Phổ Phong. Tuy nhiên, với chiến lược ổn định nguồn nguyên liệu thông qua việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, bảo hiểm năng suất, hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, miễn 10% chi phí làm đất... Nhà máy Đường Phổ Phong tin tưởng diện tích mía đầu tư vụ 2016 - 2017 sẽ tăng lên.

Những chính sách của Nhà máy Đường Phổ Phong, cộng với giá mía tăng mạnh đã giúp nhiều nông dân lấy lại niềm tin với cây mía. Vì vậy, thay vì sản xuất cầm chừng, nông dân các huyện Đức Phổ, Nghĩa Hành, Mộ Đức... có xu hướng mở rộng diện tích cây mía trong vụ tới. Ông Đặng Văn Hải, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) cho biết: “Làm mía theo quy trình cơ giới hóa đạt năng suất rất cao, nên dù giá mía 900 nghìn đồng/tấn, tôi vẫn lãi 30 triệu đồng/ha. Vì vậy qua năm, tôi tăng diện tích mía từ 4ha lên 8ha và ứng dụng theo quy trình cơ giới hóa”.  

Theo báo cáo của Nhà máy Đường Phổ Phong, diện tích mía đăng ký đầu tư vụ 2016  - 2017 trên toàn tỉnh hiện đã đạt 3.200 ha (tăng 600 ha). Ông Nguyễn Xuân Hảo cho rằng, thay vì cố khôi phục diện tích mía về mức 5.000ha như trước, thì thời gian đến, Nhà máy tập trung mở rộng diện tích trồng mía theo quy trình cơ giới hóa, nhằm đạt 1.200 - 1.500ha và chú trọng cải thiện năng suất mía đại trà. Bởi, dù diện tích giảm nhưng nếu năng suất bình quân tăng thì sản lượng mía nguyên liệu vẫn đạt 2.200 - 2.500 tấn, đáp ứng nhu cầu hoạt động của nhà máy.  

Tuy nhiên, để nông dân mạnh dạn trồng mía theo quy trình cơ giới hóa, Nhà máy Đường Phổ Phong cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Bởi, để ứng dụng quy trình sản xuất này thì ngoài yêu cầu diện tích, còn phải thực hiện chỉnh trang bờ vùng bờ thửa, nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung. Song, vì tâm lý sợ mất đất nên dù bỏ hoang, nhiều hộ dân vẫn không đồng ý cho người khác thuê trồng mía.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.