(Báo Quảng Ngãi)- Quản lý theo danh sách có sẵn, thời gian thực hiện bộ thủ tục hành chính (TTHC) kéo dài, công tác quản lý chồng chéo... là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh giống ngán ngẩm.
Khổ vì thủ tục
Theo quy định, muốn nhập khẩu giống mới, đơn vị kinh doanh giống phải xin giấy kiểm dịch thực vật để chứng minh “độ sạch” của giống. Điều oái ăm là đơn vị kinh doanh phải ghi đúng, đầy đủ các địa chỉ lưu hành của giống, trong khi giấy kê khai kiểm dịch thực vật lại không có mục này!.
Đã thế, sau khi xin giấy phép nhập khẩu một lượng vừa đủ để khảo nghiệm, các đơn vị SXKD giống phải đợi cấp có thẩm quyền xem xét công nhận và đưa vào danh mục sản xuất. “Khó khăn là khi đã lọt vào danh mục, chúng tôi còn phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện bộ thủ tục liên quan đến việc kiểm tra giống. Vì vậy, nhiều khi phải mất 2 năm chúng tôi mới nhập khẩu được một loại giống”, đại diện Công ty giống Bayer cho biết.
Trong khi đó, để hoàn thành các thủ tục công nhận giống mới, các đơn vị SXKD giống phải hoàn thành bộ TTHC trong thời gian 6 - 10 năm. Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân cho rằng: “Thủ tục hành chính quá rườm rà, thời gian thực hiện kéo dài, nên nhiều loại giống, sau khi được công nhận thì cũng kết thúc vòng đời và đã có loại khác thay thế”.
Thủ tục hành chính quá rườm rà nên để được phép lưu hành, giống lúa ĐH6-1 phải mất 6 - 10 năm. |
Theo quy trình, sau khi chọn được tổ hợp lai phù hợp, đơn vị triển khai sản xuất tiếp tục theo dõi đến đời F8 (4 năm), tổ chức sản xuất trình diễn, khảo kiểm nghiệm trong 4 vụ liên tiếp (2 năm). Tiếp theo, đơn vị sản xuất giống còn phải thực hiện hàng loạt thủ tục như sản xuất thử, kiểm tra đồng ruộng, kiểm tra các vùng sinh thái, đánh giá sâu bệnh...
Vì phải thực hiện rất nhiều thủ tục và kéo dài hơn 6 năm như thế nên hiện nay, DN rất ngại nghiên cứu, lai tạo giống mới. “Thời gian ổn định của giống ngắn. Trong khi bộ TTHC công nhận giống mới phải mất gần 10 năm mới xong. Vì vậy, thay vì nghiên cứu, chúng tôi chọn cách mua bản quyền của các đơn vị nghiên cứu”, đại diện lãnh đạo Công ty Giống cây trồng Trung ương cho biết.
Chồng chéo trong quản lý
Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Giống cây trồng cho thấy, thời gian công nhận giống cây trồng mất từ 4 - 10 năm. Có điều, dù đã thực hiện rất nhiều bộ TTHC nhưng ngoài năng suất, ngoại hình, một số yếu tố như tính chống chịu với sâu bệnh, chất lượng giống hay độ ổn định… cũng chưa có tiêu chuẩn cụ thể.
Theo các đơn vị SXKD giống, ngoài bộ TTHC rườm rà, công tác quản lý giống cây trồng cũng lỏng lẻo và chồng chéo theo kiểu “mỗi ngành một khúc” cũng khiến DN "ngán". “Một loại giống mà có chục đơn vị kiểm tra, đánh giá. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, chi phí mà còn tạo lỗ hổng trong công tác quản lý”, ông Đoàn Văn Nhân cho biết.
“Lỗ hổng” đó chính là ngay cả cơ quan quản lý cũng không nắm rõ địa điểm, thời gian, kết quả sản xuất giống của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều giống được công nhận hoặc được phép nhập khẩu, nhưng chất lượng và khả năng chống chịu không đáp ứng được yêu cầu.
Chấn chỉnh tình trạng “mỗi ngành quản lý một khúc” và một sản phẩm “gánh” chục loại phí, mới đây liên Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã bãi bỏ nhiều loại phí, lệ phí liên quan. Dù đây là động thái tích cực của ngành nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn bị nhiều bộ TTHC “hành”.
Vì những lẽ đó, doanh nghiệp đề nghị, bên cạnh việc kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, bãi bỏ một số TTHC không cần thiết, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cũng cần nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thành lập “đầu mối” quản lý. Nhất là công tác quản lý sản phẩm nông sản để tránh tình trạng “mỗi ngành quản lý một khúc” như hiện nay. Riêng Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân đề xuất: “Phải thay đổi tư duy quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đối với những thủ tục không cần thiết thì nên cắt bỏ. Chẳng hạn như việc công nhận giống mới, chỉ cần bỏ thủ tục sản xuất thử là đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều thời gian, chi phí và tăng cơ hội kinh doanh”.
Bài, ảnh: MỸ HOA