BSR: Vượt qua "sóng gió" khẳng định mình

09:12, 28/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Năm 2016 là năm mà Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) gặp khó khăn nhất từ trước đến nay do chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu, biến động tỷ giá, biến động giá dầu thô và sản phẩm... Thế nhưng BSR đã vượt qua được “sóng gió” đạt nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh.

TIN LIÊN QUAN

Hoạt động ổn định 105% công suất
 
Năm 2016 là một năm với nhiều thách thức và khó khăn đối với việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất. Giữa năm 2016, tình trạng khách hàng thường xuyên chậm/giãn/hủy nhận hàng đã làm cho tồn kho của nhà máy thường xuyên duy trì ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng.
 
Theo lãnh đạo BSR, năm 2016 mặc dù gặp nhiều khó khăn thế nhưng NMLD Dung Quất vận hành liên tục, ổn định ở công suất trung bình 105% công suất thiết kế. Việc vận hành NMLD Dung Quất đạt 105% là yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp Công ty BSR hoàn thành sớm chỉ tiêu sản lượng, vượt chỉ tiêu cả năm 2016. 
 
Công suất của nhà máy 6,5 triệu tấn dầu thô nhưng năm 2016, BSR đã sản xuất khoảng 6,91 triệu tấn sản phẩm, vượt thiết kế 0,41 triệu tấn (tăng 5% so với thiết kế). Sản lượng tiêu thụ đạt 6,8 triệu tấn, vượt 116,47% so với kế hoạch năm. Doanh thu đạt 72.516 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 11.986 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,5 tỷ USD). 

 

Năm 2016 là năm mà BSR gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay cũng là năm
Năm 2016 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng BSR đã vượt qua và khẳng định được mình
 
Đặc biệt, BSR chính thức hoàn thành chỉ tiêu sản lượng 5,8 triệu tấn sản phẩm các loại, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch năm 2016. Không dừng lại ở đó, đến hết năm, BSR sẽ sản xuất thêm hơn 1 triệu tấn sản phẩm các loại (doanh thu tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng); nộp ngân sách tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Tổng sản lượng đạt khoảng 6,91 triệu tấn và cao hơn sản lượng năm 2015 khoảng 100 nghìn tấn sản phẩm.
 
Công ty BSR đã tiết giảm được 633 tỷ đồng từ nâng cao được hiệu quả chế biến, sản xuất, tiết giảm các chi phí sản xuất kinh doanh, vượt kế hoạch tiết kiệm cả năm 43%. Để đạt kết quả trên, BSR tiếp tục hoàn thiện và áp dụng các hệ thống quản lý nhằm tăng cường hơn nữa công tác vận hành an toàn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất như: 
 
Triển khai thực hiện công tác tối ưu hóa vận hành các lò gia nhiệt, nồi hơi, hóa phẩm xúc tác, giảm thiểu tổn thất trong quá trình nhập dầu thô, tồn chứa và xuất bán sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, tối ưu hóa lượng nước làm mát. Tối ưu hóa hiệu quả thu hồi nhiệt của các vòng tuần hoàn (Pumparound) cho phân xưởng CDU và RFCC… tăng cường tiết kiệm năng lượng và giảm hao hụt năng lượng trong quá trình vận hành.
 
Công tác bảo dưỡng thường xuyên được tổ chức và thực hiện với nhiều cải tiến và tối ưu, đảm bảo tốt chất lượng và mục tiêu giữ vững ổn định và an toàn trong vận hành nhà máy. Năm 2016, BSR đã tổ chức thực hiện 52.357 lượt bảo dưỡng phòng ngừa (PM) và 8.500 lượt sửa chữa (CM) cho khoảng 67.000 thiết bị có trên hệ thống CMMS.
 
Bắt đầu vào “sân chơi” công bằng
 
Nếu như năm 2016 là năm gặp khó khăn nhất từ trước đến nay do chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu, thì bắt đầu từ năm 2017, BSR sẽ được “gỡ nút thắt” này khi Chính phủ ký Quyết định số 1725/QĐ-TTg (ngày 3.9.2016) đồng ý chấp thuận cho Công ty BSR được hoạt động theo cơ chế tự chủ cạnh tranh sòng phẳng kể từ ngày 1.1.2017.
 
Theo đó, Chính phủ sẽ bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, LPG, sản phẩm hoá dầu tiêu dùng trong nước (hiện ở mức 13% đối với xăng). Cùng đó, cũng bãi bỏ các mức giá trị ưu đãi (hiện được cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán). Quyết định cũng đáp ứng đúng đề xuất mà Công ty BSR đưa ra nhiều lần, đó là giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 từ 10% hiện tại về 0% - là ngang bằng với thuế suất - thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu hiện nay trên thị trường.

 

Ông Trần Ngọc Nguyên- Tổng Giám đốc BSR cùng với các kỹ sư nhà máy
Ông Trần Ngọc Nguyên- Tổng Giám đốc BSR trao đổi cùng với các kỹ sư nhà máy.
 
Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR cho rằng, Quyết định 1725/QĐ-TTg của Chính phủ sẽ giúp BSR chủ động cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, BSR mới sản xuất đáp ứng được 40% nhu cầu, còn 60% nhu cầu xăng dầu vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy việc đưa giá xăng dầu cạnh tranh với hàng ngoại nhập là điều kiện rất tốt để các nhà phân phối mua hàng của BSR trong thời gian tới”.
 
Từ năm 2017, BSR sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh khi bán hàng cho các doanh nghiệp trong nước như giảm chi phí vận chuyển và bảo hiểm, tránh rủi ro chênh lệch tỷ giá… Khi mua hàng trong nước, đoạn đường vận chuyển ngắn, giúp giảm chi phí vận chuyển và bảo hiểm rẻ hơn. Hơn nữa, việc thanh toán bằng Việt Nam đồng sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu không bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD tăng. 
 
Về thời gian đóng thuế, doanh nghiệp nhập khẩu phải đóng thuế nhập khẩu xong mới nhập được hàng, trong khi đó mua hàng của BSR, họ được thanh toán thuế nhập khẩu chậm 30 ngày. Về tỷ giá đồng tiền khi mua hàng trong nước của BSR, sẽ giúp doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi giảm giá hàng tồn kho nhờ thời gian giao hàng nhanh (khi nhập khẩu, thời gian vận chuyển lâu khiến doanh nghiệp nhập khẩu thiệt hại khi giá giảm). .
 
Quyết định 1725/QĐ-TTg của Chính phủ sẽ giúp BSR bán nhiều sản phẩm hơn ra trên thị trường, như vậy góp phần nộp ngân sách nhiều hơn...
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 

.