Trang bị kiến thức pháp luật biển, đảo: Ngư dân chưa quan tâm

02:11, 08/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về biển, đảo sẽ giúp ngư dân giảm thiểu rủi ro trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển. Tuy nhiên, không nhiều ngư dân quan tâm đến vấn đề này.

TIN LIÊN QUAN

Ngư dân mù mờ

“Tôi đi tập huấn, được cán bộ tuyên truyền, phát tài liệu tuyên truyền về biển, đảo nhưng mang về rồi để đó, chứ quanh năm suốt tháng ở ngoài biển, có thời gian đâu mà đọc”, ngư dân N.S.B, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ. Không chỉ ông B, mà nhiều ngư dân cũng có chung lập luận như thế khi phóng viên đề cập đến những vấn đề liên quan đến pháp luật biển, đảo, đặc biệt là kiến thức bảo hộ công dân.

Hiểu biết kiến thức pháp luật biển, đảo sẽ giúp ngư dân giảm thiểu những rủi ro khi khai thác hải sản.
Hiểu biết kiến thức pháp luật biển, đảo sẽ giúp ngư dân giảm thiểu những rủi ro khi khai thác hải sản.


Thực tế, nhiều ngư dân học các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng được phổ biến hoặc nhận tài liệu liên quan đến pháp luật biển, đảo. Song, hầu như ngư dân nào cũng cho rằng, vì không có thời gian nên họ chưa bao giờ xem, tìm hiểu hoặc nghiên cứu.

Ngư dân T.V.H, thôn Châu Thuận Biển phân trần: “Cuộc sống của ngư dân gắn với biển, nên chúng tôi chỉ quan tâm đến chuyện làm thế nào để khai thác được nhiều hải sản, hay làm sao nâng công suất tàu thuyền; còn những kiến thức pháp luật về biển, đảo thì... không có cũng chẳng sao”!

Với suy nghĩ như vậy, nên nhiều ngư dân vẫn mù mờ kiến thức liên quan đến vấn đề này, nhất là những thông tin, kiến thức về thực hiện bảo hộ ngư dân, chế tài xử phạt khi vi phạm vùng khai thác của các nước trong khu vực...

Cần được quan tâm

Một trong những nguyên nhân chính khiến ngư dân còn thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật về biển, đảo là do họ hời hợt và chưa quan tâm, mặc dù các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền và cấp phát tài liệu pháp luật về biển, đảo. Tuy nhiên, với những ngư dân có nhu cầu và quan tâm đến pháp luật biển, đảo thì lại phàn nàn rằng, công tác phổ biến, tuyên truyền chưa phù hợp.

Ngư dân Phạm Trí Thức, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, việc trang bị kiến thức pháp luật biển, đảo cho ngư dân hiện nay thường được lồng ghép vào các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Điều này khiến ngư dân ngán, vì không thể “nạp” cùng một lúc nhiều kiến thức. Do đó, “cần phải tổ chức những lớp phổ biến về pháp luật biển, đảo theo kiểu chuyên đề và tạo điều kiện để nhiều ngư dân được tham gia, chứ không nên chỉ mời vài hộ... đại diện”, ông Thức đề xuất.

Trong khi đó, ngành chức năng và các cơ quan quản lý nhà nước thì cho rằng, vì đặc thù nghề nghiệp nên việc tập hợp ngư dân rất khó. Vì vậy, đã có nhiều lớp tuyên truyền và phổ biến pháp luật biển, đảo được tổ chức theo hướng chuyên đề, nhưng rất ít ngư dân tham gia, vì lý do “bận đi biển”.

Khắc phục thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Biển Đông-Hải đảo tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, vấn đề căn cơ là phải làm cho ngư dân biết lợi ích của việc hiểu biết pháp luật biển, đảo để tránh những rủi ro khi khai thác, đánh bắt hải sản. Muốn làm được điều này chính quyền địa phương và các sở, ban ngành cần linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách cũng như kiến thức pháp luật về biển, đảo.

Nội dung và hình thức tuyên truyền cũng phải sinh động, phù hợp với ngư dân để thu hút họ tham gia. Từ đó, giúp ngư dân kịp thời nắm bắt thông tin biển, đảo, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cũng như bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.


Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.