(Báo Quảng Ngãi)- Mới đến giữa tháng 11, nhưng sản lượng thủy sản đánh bắt của ngư dân TP.Quảng Ngãi đã đạt 105% so với kế hoạch năm. Riêng nuôi trồng thủy sản, do liên tục gặp phải dịch bệnh nên nhiều diện tích nuôi thủy sản không mang lại hiệu quả như mong đợi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2016, ngư dân trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đã liên tục đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn để vươn khơi. Tính đến thời điểm này, TP.Quảng Ngãi có tổng cộng 2.044 tàu, với tổng công suất lên đến gần 600.000CV, trong đó tàu công suất lớn chiếm đến 95%. Sản lượng đánh bắt thủy sản nhờ đó cũng tăng vọt, đến thời điểm này đạt 66.000 tấn (105,6% kế hoạch năm). Một số ngành nghề khai thác chủ lực như lưới chuồn, lưới kéo, mành đèn khai thác đạt hiệu quả cao.
Nhiều nông dân trên địa bàn TP.Quảng Ngãi phải bỏ hoang hồ tôm vì tôm liên tiếp gặp dịch bệnh. |
Tại xã Nghĩa An, một trong những xã biển có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất TP.Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã đóng mới thêm 50 tàu, nâng công suất tàu lên 355.000CV. Sản lượng đánh bắt tính đến thời điểm này đạt 47.000 tấn, vượt chỉ tiêu của cả năm 2.000 tấn.
Lĩnh vực đánh bắt được mùa bội thu, còn lĩnh vực nuôi trồng, do liên tục gặp phải dịch bệnh nên sản lượng, diện tích nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố sụt giảm so với năm 2015. Tại xã Tịnh Kỳ, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong năm nay chỉ khoảng 20ha, giảm 10ha so với năm ngoái. Diện tích nuôi trồng tại xã Tịnh Hòa cũng chỉ khoảng 40ha/98ha.
Vào đầu vụ, xuất hiện hiện tượng tôm bị chết rải rác do đốm trắng và đỏ thân, nên năng suất bình quân chỉ đạt 7 tạ/ha. Tại xã Nghĩa An, người nuôi tôm cũng không tránh khỏi thất thu do dịch bệnh trên tôm. Mục tiêu xã Nghĩa An đề ra trong năm 2016 là 25 tấn tôm thương phẩm, nhưng chỉ thu hoạch được 15 tấn trên diện tích 20,75ha. Nông dân Lê Văn Mùi, ngụ ở xã Nghĩa An cho biết: “Năm nay, tôi thả nuôi 3 hồ, thì cả 3 hồ đều xuất hiện dịch bệnh ngay từ đầu vụ. Bởi vậy, dù đã cố gắng vớt vát, thả bù... nhưng rồi cũng chỉ hòa vốn chứ không có lãi”.
Ông Trần Dương - Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng TP.Quảng Ngãi cho biết: “Ô nhiễm môi trường nuôi, hệ thống hạ tầng thủy sản chưa được đầu tư... là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lan rộng. Nuôi trồng dần kém hiệu quả, nên trong năm 2016, người dân chỉ thả nuôi được 170/250ha. Dự kiến trong năm 2017, thành phố tiếp tục giảm chỉ tiêu nuôi trồng xuống còn 137ha, những vùng nuôi lấn chiếm lòng sông, cản trở dòng chảy sẽ bị kiểm tra, xử lý”.
Cũng theo ông Dương, trong năm 2017, UBND TP.Quảng Ngãi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng mô hình nuôi hạn chế dịch bệnh, tuân thủ đúng quy trình nuôi. Đồng thời, đoàn kiểm tra chuyên ngành của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng người dân sử dụng chất kháng sinh, tăng trọng, để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm nuôi trồng.
Bài, ảnh: Ý THU