(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng những ô ruộng trũng, bà con đồng bào Hrê ở xã Thanh An (Minh Long) đã đào ao nuôi cá nước ngọt. Mô hình này đã trở thành sinh kế mới, giúp nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Đinh Văn Ía ở thôn Làng Vang đã xây được ngôi nhà riêng khang trang. “Có tiền xây nhà, ổn định cuộc sống như ngày hôm nay tất cả là nhờ trồng mì, nuôi cá nước ngọt”, anh Ía vui mừng cho hay. Gần 2 sào ruộng của gia đình anh Ía nằm trong khu dân cư, đất thấp, trũng nên trồng lúa không đạt năng suất cao, vì thế từ năm 2010 anh đã nạo vét làm ao để nuôi cá.
Mô hình nuôi cá nước ngọt đã giúp nhiều hộ dân ở vùng cao Thanh An vươn lên thoát nghèo. |
Với tập quán canh tác truyền thống “tự cung tự cấp”, ban đầu gia đình anh Ía thả nuôi chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Đến năm 2012, được sự định hướng của địa phương anh mua cá giống, thả nuôi hơn 1.000 con cá trắm cỏ, rô phi, cá mè... Anh Ía cho biết, các loại cá nước ngọt này dễ nuôi, ít dịch bệnh, đặc biệt là cá trắm cỏ chủ yếu ăn lá mì, cỏ nên tiết kiệm rất nhiều chi phí. Với giá bán từ 50 - 70 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi năm anh Ía xuất bán gần 500kg cá, trừ chi phí, anh thu về khoảng 20 triệu đồng. So với việc canh tác lúa, thì đào ao nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ ở thôn Làng Vang mà thôn Ruộng Gò, Công Loan cũng có gần 10 hộ dân tận dụng diện tích đất thấp trũng, bỏ hoang để đào ao nuôi cá. Như gia đình ông Đinh Róa ở thôn Ruộng Gò, cũng thả nuôi cá nước ngọt được vài năm nay, không chỉ giúp gia đình ông cải thiện bữa ăn của gia đình mà còn có thêm nguồn thu nhập. Ông Róa cho hay, nuôi cá không tốn nhiều công chăm sóc, nên vẫn có thời gian lên nương làm rẫy, nhờ thế mà kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn.
Trung bình một chu kỳ nuôi cá dao động từ 10- 12 tháng, bắt đầu thả giống từ đầu năm và thu hoạch vào dịp cuối năm. Trong các loại cá nước ngọt thì bà con địa phương cho biết, cá trắm cỏ là dễ cho ăn và lớn nhanh nhất. Trong gần một năm, cá trắm cỏ có thể xuất bán với trọng lượng khoảng 1,5 kg, còn cá chép, mè, rô phi thì chỉ từ 0,7- 1kg, nên hiện nay, đa số đồng bào ở Thanh An đều tập trung thả nuôi cá trắm cỏ.
Ông Đinh Ê Hoàng- Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Việc người dân tận dụng diện tích đất trũng, bỏ hoang để đào ao, thả nuôi cá nước ngọt là một hướng phát triển kinh tế mới, hiệu quả, phù hợp với vùng đất của địa phương. Cùng với việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thì đào ao thả cá sẽ là “sinh kế mới” giúp bà con thoát nghèo bền vững. Thời gian đến, chính quyền sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ về giống và kỹ thuật để bà con tự tin, mạnh dạn mở rộng việc đào ao nuôi cá.
Bài, ảnh: HIỀN THU