Nuôi thủy, hải sản ven bờ: Chỗ thở phào, nơi lo lắng

09:11, 08/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng mặt nước gần bờ, nhiều hộ dân ven biển đã phát triển nghề nuôi thủy, hải sản nhằm phát triển kinh tế. Thời điểm này cũng là lúc “tổng kết” vụ nuôi năm 2016. Trong khi người nuôi tôm, cua thở phào nhẹ nhõm vì một năm được mùa được giá, thì các hộ nuôi cá bớp trong lồng bè lại lo lắng vì giá hạ thấp, đầu ra bấp bênh.

TIN LIÊN QUAN

Lợi nhuận cao, rủi ro ít

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trung Thông ở thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông (Bình Sơn) khi nói về hiệu quả của việc nuôi tôm, cua kết hợp. Dù nghề nuôi thủy sản là công việc chính của gia đình gần 25 năm, nhưng ông Thông mới áp dụng kỹ thuật nuôi tôm xen cua chỉ hai năm gần đây. So với kỹ thuật nuôi tôm trong điều kiện có máy bơm nước, sục khí, cứ một mét vuông thả nuôi từ 50 - 70 con tôm, thì khi kết hợp nuôi hai loại thủy sản với nhau, ông Thông thả nuôi theo tỷ lệ 30 con tôm và 2 - 3 con cua.

“Lúc trước chỉ chuyên nuôi tôm, nhiều rủi ro vì nguy cơ dịch bệnh lớn. Còn khi nuôi tôm, cua kết hợp, con cua không chỉ tận dụng thức ăn còn dư của tôm mà còn xử lý nước tầng đáy, nên môi trường nước trong hồ thông thoáng, ít dịch bệnh hơn”, ông Thông cho hay.

 

Giá cá bớp hạ thấp, đầu ra bấp bênh, tiêu thụ chậm, chưa kể thời tiết xấu... khiến người nuôi lo lắng.
Giá cá bớp hạ thấp, đầu ra bấp bênh, tiêu thụ chậm, chưa kể thời tiết xấu... khiến người nuôi lo lắng.


Chưa kể, khi nuôi tôm, cua kết hợp, dù tỷ lệ con giống giảm xuống, bù lại lúc thu hoạch được hai loại thủy sản. Mỗi năm, ông Thông thả nuôi hai lứa, sau 4 tháng là thu hoạch. Để việc nuôi tôm, cua đạt hiệu quả cao nhất, ông Thông chỉ dùng một hồ nuôi kết hợp, còn các hồ còn lại dùng để ươm con giống một thời gian cho lớn rồi chuyển sang hồ khác để hạn chế dịch bệnh. Chỉ tính riêng năm 2015, từ việc nuôi tôm, cua kết hợp, với giá tiêu thụ tôm 130.000 đồng/kg, cua 150.000 đồng/kg, ông Thông thu nhập khoảng 130 triệu đồng.
 

Nuôi cua trái vụ bán dịp Tết

Để cung cấp cua cho thị trường Tết Nguyên đán 2017, vừa qua ông Nguyễn Trung Thông ở xã Bình Đông đã thả nuôi 3.000 con cua giống, đến khoảng tháng 11 âm lịch thu hoạch. Đây được xem là mùa nuôi cua trái vụ mang lại hiệu quả cho người nuôi, vì cua thường được giá, thị trường tiêu thụ ổn định.

Chi phí cao, nhiều rủi ro

Sau một năm thả nuôi với nhiều hy vọng, hiện nay nhiều hộ nuôi cá bớp trong lồng bè ở cửa biển Sa Cần (Bình Sơn) đang thấp thỏm lo lắng. Nguyên nhân là giá cá bớp chỉ còn 80.000 - 85.000 đồng/kg, nhưng đầu ra rất khó khăn.

Trong khi đó, chi phí thức ăn cho cá bớp mỗi ngày tiêu tốn hàng triệu đồng. Cá lớn còn tồn lại thì chi phí thức ăn càng tăng. Chưa kể những ngày qua, thời tiết xấu dẫn đến mưa to, gió lớn, sóng vỗ mạnh vào lồng bè, nên người nuôi không thể thu hoạch cá để bán.

Nhìn những con sóng lớn đập vào bờ, vào lồng bè nuôi cá bớp, ông Phạm Kiều Huy ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông lo lắng: “Năm trước, giá cá bớp khoảng 140.000 đồng/kg, mỗi lần xuất bán cả tấn cá. Nhưng thời điểm này giá cá xuống thấp, mà chỉ bán được vài con, đầu ra rất chậm. Mấy ngày nay, sóng vỗ mạnh nên nhiều thùng phuy bị đứt dây, không bắt cá bán được”.

Tính đến thời điểm này, ông Huy còn khoảng 500 con cá bớp. Mỗi ngày tiền thức ăn cho một lồng gồm 100 con cá tốn 300.000 đồng. Tính ra, mỗi ngày ông Huy phải tốn 1,5 triệu đồng tiền mua thức ăn cho cá và kèm theo nỗi lo thời tiết càng về cuối năm càng diễn biến thất thường.

Theo thống kê của UBND xã Bình Đông, năm 2016 trong xã có 31 hộ nuôi cá bớp, với diện tích gần 6.000m2, tổng số tiền đầu tư trên 10 tỷ đồng. Đây là số tiền chủ yếu do người dân vay tại các ngân hàng thương mại. Đến nay, cá đã đạt thành phẩm xuất bán, nhưng giá thấp, các hộ dân vẫn không bán được.

"Trước nỗi lo này, UBND xã đề nghị các cấp trên hỗ trợ, liên kết tìm đầu ra cho cá bớp. Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho người dân vay vốn lãi suất ưu đãi. Ngân hàng giúp đỡ khoanh nợ để người dân bớt khó khăn", ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Đông bày tỏ.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.