Siết chặt quản lý tàu giã cào

09:10, 06/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Giã cào là nghề khai thác tận diệt, ví như “hung thần” trên biển cả. Vì thế, các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, trong đó dừng đóng mới là biện pháp mạnh, siết chặt quản lý tàu giã cào, nhằm từng bước khôi phục nguồn lợi thủy sản.

TIN LIÊN QUAN

Biện pháp mạnh


Nghề lưới kéo còn gọi là giã cào, cào bay là nghề khai thác thủy hải sản ven bờ, dựa trên nguyên lý “lọc nước lấy cá” và kéo sát đáy vùng nước tầng trên, “thượng vàng hạ cám” khiến các sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đồng thời gây hư hỏng, mất mát ngư lưới cụ của các nghề khai thác ven bờ khác.

Mặc dù trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, đội ngũ tàu hành nghề giã cào vẫn phát triển mạnh, ngày càng nhiều tàu công suất lớn, hủy hoại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ và hệ sinh thái biển.
 

Quảng Ngãi dừng cấp phép đóng mới tàu giã cào từ ngày 1.12.2015.
Quảng Ngãi dừng cấp phép đóng mới tàu giã cào từ ngày 1.12.2015.

 

Để ngăn chặn vấn nạn này, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã có công văn về việc tăng cường phát triển tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhằm từng bước phát triển cơ cấu nghề khai thác thủy sản một cách hợp lý, bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ, nguồn lợi thủy sản tầng đáy.

Công văn nêu rõ, tạm ngừng việc phát triển tàu cá lưới kéo và nghề lặn, bao gồm cả đóng mới, chuyển từ nghề khác sang và mua tàu từ ngoài tỉnh về kể từ ngày 1.12.2015.

Ông Ngô Văn Hưng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đây là quyết định rất đúng đắn, kịp thời, một biện pháp mạnh, từng bước hạn chế, giảm số lượng tàu giã cào.

Từ khi có lệnh “cấm”, Chi cục không cấp mới giấy phép khai thác thủy sản nghề lưới kéo cho bất kỳ phương tiện nào, trừ trường hợp gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá trong tỉnh đã được cấp giấy phép nghề lưới kéo trước đó.

Đồng thời, Chi cục và cơ quan liên quan còn thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra; nếu phát hiện tàu vi phạm vùng đánh bắt gần bờ, giã cào dùng mắt lưới nhỏ thì xử phạt theo quy định.

Khuyến khích chuyển nghề

Quảng Ngãi có đội tàu lớn với hơn 5.500 chiếc và cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng tàu lưới kéo. Số lượng tàu lưới kéo liên tục tăng, nếu năm 2013 chiếm 31,6% trên tổng số tàu của tỉnh, thì nay đã tăng lên 33,2%.

 

Tàu giã cào hủy hoại nguồn lợi thủy sản, trong khi giá trị sau sản xuất không cao.
Tàu giã cào hủy hoại nguồn lợi thủy sản, trong khi giá trị sau sản xuất không cao.


Theo ngư dân ngư dân Nguyễn Hát, ở xã Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi), mặc dù số lượng tàu lớn nhưng giá trị sản phẩm sau đánh bắt của nghề này không cao, phần lớn là cá tạp, giá cả thấp.

Trong khi đó, tác hại của nó với nguồn lợi thủy sản tầng đáy là rất lớn. Loại bỏ hình thức đánh bắt thủy hải sản có tính hủy diệt này là điều nên làm, nhưng cần sự hỗ trợ của Nhà nước để ngư dân chuyển đổi nghề.

Theo kế hoạch tái cơ cấu các nghề khai thác hải sản của Sở NN&PTNT được UBND tỉnh thông qua hồi tháng 5 năm 2015, đến năm 2020, giữ ổn định sản lượng khai thác ở mức 150.000- 160.000 tấn/năm, trong đó khai thác nội địa đạt 650 tấn.

Số lượng tàu thuyền khai thác đến năm 2020 giảm còn dưới 4.500 chiếc; tổng công suất tàu cá đạt 1.200.000 CV; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên. Giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi từ 26,18% lên 30%; tăng nghề câu lên 18%; tăng nghề lưới vây lên 13%.

Tại hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào tháng 8.2016, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giảm khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là mục tiêu của tái cơ cấu ngành thủy sản.

Để thực hiện điều này, một mặt ngành cấm phát triển nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, hạn chế phát triển nghề lặn, mặc khác khuyến khích ngư dân chuyển nghề lưới kéo qua nghề mới khai thác xa bờ như lưới rê, nghề câu.

Việc này nhằm giảm dần những nghề khai thác xâm hại nguồn lợi và môi trường sinh thái. Bà con ngư dân rất cần chính sách hỗ trợ để chuyển sang hoạt động các loại nghề khác.


Bài, ảnh: Ái Kiều


 


.