Sản phẩm làng nghề: Vươn đến thương hiệu

04:10, 09/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường, chủ các cơ sở làng nghề đang nỗ lực nâng cao chất lượng, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh.

Bản sắc "hàng mây tre"

Sản phẩm mây tre đan của một số cơ sở sản xuất ở huyện vùng cao Tây Trà khi tham gia các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Từ những chiếc rổ, rá nhỏ xinh đến nong, nia, dần, sàng và cả những chiếc giỏ đựng cua đồng khi đưa lên kệ trưng bày, giới thiệu thường được tiêu thụ nhanh chóng. Tâm lý người tiêu dùng khi đến hội chợ, phiên chợ thường tìm mua cho mình một món hàng độc đáo, chất lượng, thiết thực với cuộc sống, sinh hoạt của gia đình.

 Chế biến cá khô, tôm khô tại làng nghề Sa Huỳnh (Đức Phổ).
Chế biến cá khô, tôm khô tại làng nghề Sa Huỳnh (Đức Phổ).


Tại phiên chợ hàng Việt ở huyện Tây Trà, quầy trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm mây tre đan của cơ sở Hồng Thanh (KDC số 5, thôn Gò Rô, xã Trà Phong) luôn có đông khách tham quan, mua sắm. Giá bán từ 20.000 đồng - 200.000 đồng/sản phẩm, nhưng người tiêu dùng cho đó là phù hợp, bởi tất cả sản phẩm đều làm bằng thủ công nhưng khá tinh xảo; vật liệu sản xuất ra sản phẩm là cây lồ ô do người dân địa phương trồng. Theo chị Hồ Thị Hồng Thanh, việc chọn sản phẩm mây tre đan để kinh doanh là vì muốn tạo ra sản phẩm thân thiện với cuộc sống, đồng thời tiêu thụ cây lồ ô cho người dân địa phương.

Hiện nay, cơ sở đang nỗ lực nghiên cứu cải tiến mẫu mã sao cho đẹp hơn, tinh xảo hơn, để khách hàng hài lòng hơn. "Khi khách hàng tin yêu, ủng hộ thì chính là sản phẩm mình đã làm nên thương hiệu trong lòng người tiêu dùng"-chị Hồng Thanh chủ cơ sở cho biết. Các sản phẩm mây tre đan Hồng Thanh chủ yếu do chính người Cor Tây Trà đan bằng tay theo cách truyền thống của cha ông truyền lại, mang nét độc đáo rất riêng.

Nước mắm, cá khô: Xây dựng thương hiệu

Làng nghề nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức) khoảng một năm nay đã sôi động trở lại, sau nhiều năm dài bị sản phẩm nước mắm công nghiệp "chèn ép". Trước nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thực phẩm công nghiệp, người tiêu dùng đã quay trở lại chọn nước mắm truyền thống. Theo thống kê của xã Đức Lợi, hiện đã có khoảng 10 cơ sở khôi phục lại nghề truyền thống này, trong đó có cơ sở mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm được tình cảm của người tiêu dùng.

Một số cơ sở đang xúc tiến đăng ký thương hiệu, để bảo vệ quyền lợi trong kinh doanh như: Hồng Út, Nhật Nam, Tín Nghĩa. Chị Bùi Thị Nga - chủ cơ sở nước mắm Hồng Út cho biết: "Nhờ người tiêu dùng tin tưởng, cơ sở đã vượt qua thời gian khó, để ổn định, phát triển kinh doanh. Thương hiệu: Hồng Út cam kết sẽ luôn giữ vững chất lượng như một sự tri ân đối với khách hàng". Theo chị Nga, doanh số bán hàng 9 tháng qua tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2015.

Làng nghề chế biến cá khô, mực khô theo phương thức truyền thống ở xã biển năm nay mặc dù khó khăn, nhưng vẫn giữ được nhịp độ sản xuất bình thường. Hiện tại, giá các sản phẩm cá khô, mực khô của làng nghề ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Mực khô giá giao động từ 600.000 đồng - 1.200.000 đồng/kg. Cá khô từ 200.000 đồng - 500.000 đồng/kg, tùy loại cá.

Nguồn cá này chủ yếu cung ứng cho thị trường các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Khi đóng gói, vào bao bì được dán nhãn mác, xuất xứ, tạo niềm tin về nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, để người tiêu dùng an tâm sử dụng. "Cá khô, mực khô chế biến theo cách truyền thống thơm và chất lượng.

Hàng làm không đủ cung ứng, nhưng chúng tôi không chủ quan, vẫn cam kết chất lượng là hàng đầu. Sắp tới, cơ sở sẽ xúc tiến đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình", ông Võ Văn Pháp - Chủ cơ sở chế biến cá khô Hồng Pháp ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.