Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Ba Tơ: Cần "liều thuốc" mạnh

10:10, 13/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù kết quả thu hút đầu tư công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở huyện Ba Tơ bước đầu đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa đủ so với tiềm năng, lợi thế mà huyện vùng cao này đang có.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ năm 2000, bên cạnh lĩnh vực nông - lâm nghiệp, huyện Ba Tơ đã đề ra kế hoạch phát triển công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) để thu hút đầu tư. Đến nay, toàn huyện có 2 CCN là CCN thị trấn Ba Tơ (1,8ha) và CCN Ba Động (25ha). Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào hai CCN này đến nay rất khiêm tốn, khi chỉ có 4 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 46 tỷ đồng, trong đó có 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ.

Hoạt động sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH sản xuất gỗ dăm Thượng Hải tại CCN Ba Động.
Hoạt động sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH sản xuất gỗ dăm Thượng Hải tại CCN Ba Động.


Đối với CCN thị trấn Ba Tơ (thành lập từ năm 2006), huyện đã bỏ ra khoản kinh phí 2,8 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng đến nay chỉ mới có 1 doanh nghiệp vào đầu tư làm ăn. Đó là Công ty TNHH Ánh Thông, đầu tư vào lĩnh vực xẻ và cắt đá, với tổng vốn đăng ký hơn 11 tỷ đồng.

Ông Phạm Giang Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Tại CCN thị trấn Ba Tơ, bên cạnh các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định thì hiện có một DN đang đăng ký đầu tư nhà máy sản xuất gạch bê tông. Còn tại CCN Ba Động (huyện đang lập quy hoạch  chi tiết tỷ lệ 1/500), hiện có Công ty TNHH Hoàng Phú Sơn đã đăng ký đầu tư nhà máy ván ép và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ đồng.

Là huyện miền núi, nhưng Ba Tơ có lợi thế rất lớn khi có Quốc lộ 24 chạy cắt ngang nối với Quốc lộ 1 ở hướng đông và tỉnh Kon Tum ở hướng tây nam. Ngoài ra, nhiều tuyến tỉnh lộ, đường huyện nối với các địa phương trong tỉnh, cộng với nhiều ưu đãi của thiên nhiên nên kết quả đạt được trong thu hút đầu tư vào CN-TTCN thời gian qua là chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo thống kê, trong năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 270 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng năm 2016 đạt gần 150 tỷ đồng. Giá trị sản xuất chủ yếu từ các doanh nghiệp ngoài kinh tế nhà nước và cá thể, sản phẩm chủ yếu là điện thương phẩm, gỗ dăm xuất khẩu.

Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Ba Tơ, trong giai đoạn 2016-2020, để vực dậy và thu hút nhiều hơn vào công nghiệp, huyện đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8-9%, trong đó CN-TTCN-XD tăng từ 15-16%.

Theo ông Phạm Giang Nam để đạt mục tiêu đề ra, huyện đang tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các cơ sở phát triển CN-TTCN, cũng như hệ thống lưới điện. Đồng thời, sẽ áp dụng cơ chế, chính sách để huy động các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng vào CCN thị trấn Ba Tơ và CCN Ba Động.

“Huyện sẽ tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện. Ngoài ra, sẽ chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà nhà đầu tư gặp phải”,  ông Nam nói.

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo chủ chốt huyện Ba Tơ,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, để đẩy mạnh phát triển CN - TTCN và thu hút đầu tư, huyện Ba Tơ cần xem xét, nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển theo điều kiện địa phương mình. Trong đó, chú trọng đến những lợi thế sẵn có cũng như đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tại các CCN, điểm thu hút phát triển công nghiệp.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 


.