(Báo Quảng Ngãi)- Khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay, để ngư dân có thể đảm bảo sinh kế bền vững, lâu dài. Để làm được điều đó, ngoài những quy định xử phạt các loại hình đánh bắt mang tính tận diệt, tỉnh cần phải có cơ chế khuyến khích riêng dành cho những ngư dân mạnh dạn áp dụng các loại hình đánh bắt vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quảng Ngãi có nghề khai thác thủy sản đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các nghề lưới kéo, vây, rê, câu, nghề lặn, pha xúc... Trong đó, nghề lưới kéo vốn không bảo vệ được nguồn lợi thủy sản lại chiếm hơn 1/3 tổng số tàu thuyền đánh bắt (khoảng 35%), còn những nghề bảo vệ được nguồn lợi thủy sản vì có tính chọn lọc cao như nghề lưới rê thì chỉ chiếm hơn 20%, nghề câu khoảng 13%... Nghề bảo vệ được nguồn lợi thủy sản chiếm tỷ lệ thấp hơn nghề tận diệt thủy sản trong cơ cấu khai thác thủy sản là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản đang dần suy kiệt.
Có cơ chế khuyến khích đối với các loại hình đánh bắt bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sẽ góp phần giảm các loại hình đánh bắt mang tính "tận diệt" cả cá nhỏ. |
Ngư dân Huỳnh Luận, ở xã Phổ Quang (Đức Phổ), chủ hai tàu QNg 84359 và QNg 98559, với tổng công suất gần 1.500CV hành nghề lưới vây và mành chụp xa bờ so sánh: “Mành chụp là nghề dùng ánh sáng để thu hút thủy sản, do đó cá lớn hay cá bé cũng đều bị thu gọn vào lưới. Còn với nghề lưới vây, cá phải nặng từ 1kg trở lên mới bị lọt lưới nên các loại cá có kích thước nhỏ sẽ được bảo vệ”.
Cũng theo ngư dân Luận, sau khi áp dụng nghề mành chụp được 2 năm, tuy sản lượng đánh bắt đạt được khá cao, nhưng cá có kích thước nhỏ có giá bán khá thấp, vì thế hiện anh Luận quay trở về với nghề lưới vây truyền thống, vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.
Ngoài nghề truyền thống là nghề lưới vây, nghề câu đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang áp dụng nghề lưới xù, loại lưới có kích thước mắt lưới lớn (gần 20cm) nên chỉ đánh bắt những con cá từ 1kg trở lên và hoàn toàn không gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản như các kiểu đánh bắt khác. Tuy nhiên, một bộ lưới xù dài từ 9- 10 hải lý, nên thời gian thu lưới của nghề này rất lâu (từ 8 – 10 tiếng) và thường xuyên bị đe dọa bởi các tàu hành nghề lưới kéo.
Hơn nữa, “Kinh phí mua một bộ lưới để hành nghề lên đến 3,5 tỷ đồng, trong khi nguồn lợi thủy sản đang ngày một ít đi. Vì vậy, khi xác định theo đuổi nghề lưới xù, ngư dân chúng tôi chấp nhận phải rất lâu mới thu hồi vốn”, ngư dân Võ Văn Hân, ở xã Bình Châu (Bình Sơn), chủ tàu QNg 90999 hành nghề lưới xù cho biết.
Đề xuất phương án nâng cao tỷ lệ nghề đánh bắt thủy sản bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Cần có những cơ chế khuyến khích cụ thể cho những ngư dân mạnh dạn áp dụng những nghề đánh bắt bảo vệ được nguồn lợi. Có như thế, mới nâng được cơ cấu nghề bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi”.
Bài, ảnh: Ý THU