(Báo Quảng Ngãi)- Xác định giá thuê đất chưa phù hợp, quy hoạch vùng nguyên liệu chồng chéo, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách và hoạt động bình thường của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, việc giải quyết những bất cập này lại chưa kịp thời, khiến DN rơi vào cảnh khó khăn.
Bất cập giá thuê đất
Kiến nghị của 9 DN về giá thuê đất tại địa bàn phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là một trong 18 kiến nghị cơ quan chức năng vẫn còn "nợ" DN câu trả lời. Tổng số tiền mà các DN này đề nghị giảm trong 3 năm (2012 - 2014) khoảng 2,5 tỷ đồng.
Trong đó, DN đề nghị giảm nhiều nhất khoảng 880 triệu đồng, ít nhất 41 triệu đồng. Tính đến nay, tỉnh mới giải quyết kiến nghị và giảm tiền thuê đất cho 2 trong 9 DN này tiền thuê đất năm 2012 là Công ty TNHH Hải Dung (giảm 180 triệu đồng) và DNTN xăng dầu Thanh Bình (62 triệu đồng).
Thu mua nguyên liệu tại Nhà máy mì Sơn Hải (Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi). |
Lý do mà các DN này đề nghị tỉnh giảm tiền thuê đất là do vị trí đất được xác định làm cơ sở tính thuế chưa hợp lý. Theo tính toán của các DN này, vì xác định chưa đúng vị trí nên giá thuê đất năm sau tăng vọt so với năm trước và vượt quy định hiện hành. Mức tăng được DN so sánh gấp từ 2,3 - 5,9 lần, trong khi quy định không quá 2 lần.
Ngày 5.7.2016, UBND tỉnh đã có công văn đồng ý giảm tiền thuê đất 50% cho các DN này và giao Sở TN&MT đôn đốc các DN chưa ký hợp đồng thuê đất phải khẩn trương thực hiện ký hợp đồng để Cục Thuế tỉnh quyết định giảm tiền thuê đất cho DN. Đồng thời, UBND tỉnh cũng có công văn đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất đến hết ngày 31.12.2016. Trong khi chờ đợi ý kiến của Thủ tướng, đề nghị Bộ Tài chính không tính tiền chậm nộp. Bộ Tài chính trả lời ghi nhận kiến nghị, song yêu cầu trước mắt các DN này phải thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, việc xin thuê đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất kinh doanh của nhiều DN hiện cũng gặp khó khăn. Đơn cử năm 2015, Công ty TNHH MTV xây dựng IDICO chi nhánh Quảng Ngãi (Khu CN Tịnh Phong) bị thu hồi một phần diện tích có công trình trạm bơm để phục vụ Dự án KCN VSIP. Ngay sau đó, Công ty IDICO đã lập hồ sơ đề nghị chính quyền cấp lại đất để xây trạm bơm khác, nhưng mãi đến nay kiến nghị này chưa được giải quyết.
Vùng nguyên liệu: Chồng chéo
Năm 2007, vùng nguyên liệu của Công ty CP Nông sản thực phẩm (NSTP) Quảng Ngãi được tỉnh phê duyệt 13.500ha thuộc các huyện Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long. Đến năm 2011, UBND tỉnh thỏa thuận dự án phát triển vùng nguyên liệu cho Nhà máy Ethanol Dung Quất - Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung đã chồng lấn vào 7.500ha của vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi.
Trên cơ sở đề nghị của công ty tháng 9.2016 tỉnh đồng ý cho Công ty CP NSTP Quảng Ngãi phát triển vùng nguyên liệu trên diện tích đã quy hoạch cho Nhà máy Ethanol Dung Quất trong thời gian nhà máy ngừng hoạt động và hoàn trả lại diện tích này cho nhà máy khi nhà máy hoạt động trở lại. Ông Võ Văn Danh - Giám đốc Công ty CP NSTP cho rằng, cách giải quyết này là chưa thỏa đáng, vì thiếu tính bền vững, ổn định phát triển vùng nguyên liệu của công ty.
Ngoài ra, hiện nay, tình trạng chồng lấn quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ keo phục vụ hoạt động của các nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu cũng đang trở nên bức xúc. Trên địa bàn có diện tích đã quy hoạch cho DN địa phương, nhưng cơ quan chức năng của tỉnh lại cho phép thành lập trạm thu mua gỗ keo của DN ngoài địa bàn "đón lõng" nguồn nguyên liệu thu mua "hớt tay trên" của DN địa phương. Từ đó gây bất ổn trong hoạt động sản xuất, xảy ra cảnh tranh mua - tranh bán, làm mất an ninh trật tự tại địa phương.
Bài, ảnh: THANH NHỊ