Chỉ cách làm ăn cho đồng bào vùng cao Tây Trà

07:10, 03/10/2016
.


(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ được đầu tư nhiều chương trình, dự án mà bộ mặt kinh tế - xã hội ở Tây Trà đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, đây vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, công tác xóa đói, giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.

TIN LIÊN QUAN

Hướng đến sản xuất hàng hóa

Bà Hồ Vi Na – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Thọ cho biết: Vài năm trở lại đây, một số hộ dân trong xã đã biết sản xuất các loại rau củ quả, phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình và mang đi để bán. Tuy nhiên, do giá cả rất thấp, ít người mua, nên chưa trở thành động lực để khuyến khích người dân ở Tây Trà sản xuất.

Người dân cũng đã biết đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt… để cải thiện bữa ăn và kinh tế gia đình. Trên địa bàn huyện hiện nay có gần 11 nghìn con gia súc, 19 nghìn con gia cầm. Tuy nhiên, việc chăn nuôi của người dân vẫn còn nặng theo cách truyền thống là thả rông, ít được chăm sóc nên dễ bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao.

Người dân Tây Trà từng bước thay đổi tư duy làm kinh tế, bằng việc sản xuất trao đổi các nông sản từ núi rừng để cải thiện cuộc sống.
Người dân Tây Trà từng bước thay đổi tư duy làm kinh tế, bằng việc sản xuất trao đổi các nông sản từ núi rừng để cải thiện cuộc sống.


Việc đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi của người dân là tín hiệu tích cực trong tư duy làm ăn của người dân vùng cao này. Do đó, chính quyền cần xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, hướng người dân chuyển đổi tập quán sản xuất tự cung tự cấp, sang việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm hàng hóa của núi rừng cho người miền xuôi.

Cầm tay chỉ việc cho dân

Dù người dân đã có những thay đổi trong tư duy để làm ăn, thoát nghèo, nhưng đến nay số hộ nghèo của huyện vẫn chiếm đến 80% dân số (theo chuẩn mới). Đây là một bài toán nan giải cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến tỉnh. Đồng chí Nguyễn Chín - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, nét mới trong công tác cán bộ ở Tây Trà những năm gần đây là, đã mạnh dạn đưa nhiều cán bộ trẻ là Huyện ủy viên về cơ sở để học việc, đồng thời chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để người dân vận dụng phát triển kinh tế gia đình.

 Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tình trạng một số đồng chí chưa mạnh dạn đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế ở cơ sở. Chưa mạnh dạn thay đổi tư duy, ngại va chạm, ít có tham mưu cho cấp ủy cấp trên trong những việc đã và đang đặt ra ở cơ sở. Chính điều đó là lực cản, làm cho đời sống người dân chuyển biến chậm.

Với điều kiện khó khăn của người dân hiện nay, cán bộ, đảng viên cần phải thay đổi cách lãnh đạo, thậm chí là phải “cầm tay chỉ việc” cho người dân hiểu cách trồng cây chuối, làm lúa nước, trồng keo nguyên liệu và cả cách đưa hàng hóa của núi rừng xuống bán ở miền xuôi. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên phải tìm cách giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, không trông chờ chương trình, dự án của Nhà nước mới phát triển bền vững được.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh thì lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Trà cao là do cán bộ, đảng viên chưa tiên phong trong việc xóa đói giảm nghèo. Phó Bí thư Tỉnh ủy, nói: "Một chi bộ ở cơ sở có 10 đảng viên, trong đó có 4 đồng chí thuộc diện hộ nghèo, thì không thể hô hào, vận động nhân dân thoát nghèo được. Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã được kiện toàn. Sự phát triển của địa phương trong thời gian đến phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định làm nhiều hơn nói, làm hiệu quả rồi mới nói; phải bám trụ để lo cho dân, khắc phục tình trạng thứ 2 đến, thứ 6 về".

Để huyện thoát nghèo được thì cán bộ phải bắt tay vào làm, mạnh dạn đầu tư vào các thế mạnh của địa phương để tạo bước phát triển đột phá. Lợi thế của huyện hiện nay là cấp ủy có nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, được đào tạo bài bản... nên cần kiên quyết đổi mới cách xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm sao nghị quyết đó phải mang bản sắc của chính địa phương, có như thế mới dễ thực hiện.

Tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại cấp trên, phải có trách nhiệm làm thay đổi tư duy làm ăn của mỗi người dân, thì mới giúp họ thoát nghèo bền vững được. Do đó, Ban Thường vụ phải phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho từng cấp ủy viên; thường xuyên bám sát địa bàn, sát dân, tận tình giúp đỡ người dân. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên.


Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.