Quản lý khai thác thủy sản: Bài học từ bão Chanchu

03:09, 19/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thiệt hại do cơn bão Chanchu gây ra đã và đang được chính quyền, người dân khắc phục. Song, dù đã 10 năm trôi qua, nhưng những bài học về công tác ứng phó với thảm họa thiên tai này vẫn chưa cũ, đặc biệt là vấn đề quản lý, khai thác thủy sản.

TIN LIÊN QUAN

Bất cập cũ

Ngoài những tắc trách trong công tác dự báo, bão Chanchu còn cho thấy sự lỏng lẻo trong việc quản lý tàu thuyền và khai thác thủy sản. Lẽ ra, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các địa phương, có trách nhiệm phối hợp với Bộ đội Biên phòng nắm chắc số lượng tàu thuyền trong vùng ảnh hưởng của bão, để kịp thời thông báo, chỉ dẫn cho ngư dân hướng tránh bão an toàn.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, các đơn vị này lại không nắm được chính xác số lượng tàu thuyền đang ở vùng bão. Sự lỏng lẻo này, khiến ngư dân bị động trong việc theo dõi và nắm thông tin về bão, nên không kịp thời di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm.

 Dù mới được phát hành,  nhưng bản đồ hướng dẫn phòng tránh bão và áp thấp nhiệt đới được ngư dân đánh giá là
Dù mới được phát hành, nhưng bản đồ hướng dẫn phòng tránh bão và áp thấp nhiệt đới được ngư dân đánh giá là "chi phí thấp, hiệu quả cao".


Ngoài ra, công tác cứu hộ cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong bão Chanchu, phải mất 3 - 4 ngày tàu cứu hộ mới đến được vị trí tàu bị nạn, nhưng không tìm thấy nạn nhân nào. Và 20 thi thể được tìm thấy là do ngư dân hoặc phía Trung Quốc bàn giao. Điều này theo lý giải của các ngành liên quan, là do khu vực tàu gặp nạn thuộc vùng biển xa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nên tàu cứu hộ khó tiếp cận. Tuy nhiên, lý giải này vấp phải phản ứng của nhiều ngư dân, kể cả những người còn sống sót trở về sau thảm họa bão Chanchu. “Tàu của ngư dân chúng tôi khi ấy cũng tuềnh toàng, đâu có gì hiện đại, nhưng vì sao họ vẫn đến để tìm được nạn nhân”, ngư dân Huỳnh Văn Minh, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) đặt vấn đề.

Vai trò của công tác dự báo thông tin và quản lý tàu thuyền, khai thác thủy sản đã được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng lưu ý trong cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 vào chiều 12.9.2016: “Số lượng tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi hoạt động khai thác đánh bắt trên biển là rất lớn. Do đó, việc dự báo thông tin chính xác, kịp thời; công tác quản lý và kiểm đếm tàu thuyền chặt chẽ, hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Bài học mới

Thảm họa bão Chanchu đã qua 10 năm, song những bất cập trong công tác ứng phó, đặc biệt là việc quản lý khai thác thủy sản dường như vẫn chưa cũ. Bởi, “duy trì thông tin, nắm chắc số lượng tàu thuyền và vùng biển ngư dân hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác phối hợp ứng phó với thiên tai cũng như cứu hộ cứu nạn”, ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khẳng định.

Do đó, đã 10 năm trôi qua, công tác quản lý khai thác thủy sản đã có nhiều cải tiến và đổi mới, ý thức của ngư dân cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Trong khi ngành chức năng rà soát, đổi mới khâu tổ chức và quản lý hoạt động của tàu thuyền trên biển, thực thi nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, xây dựng và cung cấp bản đồ hướng dẫn phòng tránh bão và áp thấp nhiệt đới... thì ngư dân cũng quan tâm đầu tư nâng công suất tàu, cũng như trang bị máy móc và phương tiện thông tin. “Sau bão Chanchu, tôi mua đầy đủ các loại bảo hiểm về người và phương tiện; rồi đầu tư sắm thêm thiết bị để theo dõi và nắm bắt thông tin nhanh hơn, chính xác hơn”, ngư dân Nguyễn Cu, xã Bình Châu (Bình Sơn) bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Đình Toàn thì một số chương trình, dự án hỗ trợ thiết bị thông tin của Nhà nước triển khai, nhưng không mang lại hiệu quả, nên không được ngư dân hưởng ứng. Cụ thể như Dự án Movimar. Hiện nay, trong số 305 thiết bị Movimar đã được gắn cho tàu cá, thì có đến 290 máy bị ngư dân xin trả lại hoặc tự ngắt kết nối, không sử dụng. Theo phản ánh của ngư dân, thiết bị Movimar không mang lại lợi ích thiết thực, vì nó không cung cấp các bản tin dự báo thời tiết và ngư trường như công năng của máy. Do đó, “Bộ NN&PTNT cần đánh giá lại hiệu quả của Dự án Movimar và nghiên cứu, xem xét thay đổi thiết bị hỗ trợ ngư dân để tránh lãng phí”, ông Toàn đề nghị.

Chấn chỉnh những bất cập, thực thi chính sách hỗ trợ ngư dân là cần thiết. Song, ngư dân cũng mong muốn các chương trình, dự án hỗ trợ họ được thực thi hiệu quả, thiết thực để không bao giờ tái lặp thảm họa Chanchu.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.