Phát triển ngành nghề nông thôn: Nhiều băn khoăn

03:09, 24/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nông thôn, nhưng với những hệ lụy gây ra cho môi trường, việc phát triển ngành nghề nông thôn cũng đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền và người dân.

TIN LIÊN QUAN

Giúp dân thoát nghèo...

“Không có nghề làm bánh tráng, chưa chắc nhà tôi đã thoát nghèo, nói gì đến chuyện dư dả”, anh Võ Văn Thắng, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) bộc bạch. Gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 20 năm, anh Thắng trải qua không ít thăng trầm. Từ chuyện bánh hư hỏng do thời tiết đến sản phẩm mất giá, ứ đọng hay thương lái “chê”. Vì vậy, đã có lúc anh Thắng tính bỏ nghề bánh tráng để “Nam tiến” mưu sinh. Song, vì bánh tráng đã gắn bó với gia đình theo diện “ông truyền cháu nối” nên anh Thắng cũng không nỡ bỏ, đành chật vật bám trụ với nghề.

Sản xuất gốm thải ra nhiều khói, bụi làm môi trường bị ô nhiễm.
Sản xuất gốm thải ra nhiều khói, bụi làm môi trường bị ô nhiễm.


Để bánh tráng có chỗ đứng trên thị trường, từ năm 2010, anh Thắng mạnh dạn đầu tư, nâng cấp thiết bị máy móc nhằm cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Kết quả, bánh tráng của anh Thắng được khách hàng các tỉnh, thành trong cả nước ưa chuộng. “Giờ mình không sợ bánh tráng bị ế, mà chỉ lo không đủ cung ứng cho bạn hàng”, anh Thắng cho hay.
 

Hiện nay, toàn tỉnh có 21 làng nghề. Trong số này đã có 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Mỗi năm doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 24 nghìn lao động với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ anh Thắng, mà hơn 200 hộ ở xã Hành Trung cũng “sống khỏe” với nghề bánh tráng nhờ cải tiến và đổi mới phương thức sản xuất. Với thu nhập từ 150 - 250 nghìn đồng/ngày, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề, bánh tráng Hành Trung như được chắp thêm cánh để bay cao, bay xa. Cuộc sống của những hộ làm nghề bánh tráng vì thế cũng ngày càng khấm khá, ổn định.

Trong khi đó, hoạt động ở làng nghề chế biến hải sản Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng không kém phần sầm uất, nhộn nhịp. Nhất là khi Cảng cá Tịnh Kỳ đưa vào khai thác, sử dụng. Sản phẩm chính ở làng nghề Tịnh Kỳ là chế biến cá nục, cá cơm khô để xuất khẩu. Vì giá trị sản phẩm cao, nên thu nhập của người lao động và chủ cơ sở cũng không hề nhỏ. “Vào mùa chế biến, tôi cũng kiếm được 200 - 300 nghìn đồng/ngày, cuộc sống gia đình cũng đỡ chật vật”, chị Nguyễn Thị Sử, xã Tịnh Kỳ cho hay.

...nhưng gây ô nhiễm môi trường

Tuy mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, song trở ngại để các làng nghề phát triển chính là tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo kết quả điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn, hầu như tất cả làng nghề trong tỉnh đều gây ô nhiễm khói, bụi, mùi hôi, nước thải, chất thải... Dẫn đầu mức độ gây ô nhiễm là các làng nghề chế biến bún, hải sản hay sản xuất gốm...

Nghề chế biến hải sản dễ gây ô nhiễm môi trường do nước thải.
Nghề chế biến hải sản dễ gây ô nhiễm môi trường do nước thải.

Đơn cử như tại làng nghề chế biến hải sản Thạch Bi (Đức Phổ) và Tịnh Kỳ. Hầu hết cơ sở chế biến nằm trong khu vực dân cư đông đúc, lại chưa có hệ thống xử lý nên nước thải xả thẳng ra môi trường. Theo phản ánh của người dân sống gần làng nghề chế biến hải sản Tịnh Kỳ thì: “Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa là nước thải bốc mùi rất khó chịu”.   

Điều khó khăn là, dù ngành chức năng và chủ cơ sở sản xuất biết rất rõ nguyên nhân và mức độ ô nhiễm nhưng họ cũng không biết phải xử lý thế nào. Trong khi chủ cơ sở bảo “chúng tôi không đủ năng lực để đầu tư thiết bị xử lý chất thải”, thì ngành chức năng cũng cho rằng “rất khó áp dụng các chế tài xử lý các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường này”.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, “cái khó” ở đây chính là dù tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nhàn rỗi, nhưng các cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển cũng như giải pháp xử lý môi trường tập trung từ phía Nhà nước. Do đó, sau khi kiểm tra và đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, Chi cục Phát triển nông thôn cũng chỉ biết tăng cường mở các lớp... hướng dẫn và tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các chủ cơ sở sản xuất!.  

Bài, ảnh: MỸ HOA
                 
 


.