"Mưa vàng" cho miền núi Quảng Ngãi

11:09, 15/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Liên tiếp trong nhiều ngày qua, đặc biệt là ngày 11 và 12.9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 4, miền núi Quảng Ngãi đã có mưa to, đến rất to, kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ. Mưa lớn đã gây ra một số thiệt hại ở các địa phương, song đối với các huyện miền núi đợt mưa vừa qua đã giải cơn khát cho thủy điện, thủy lợi, cây trồng vốn bao tháng trời cạn kiệt, héo hắt vì hạn nặng.

Thủy điện, thủy lợi tăng công suất

Ông Vương Quý Thạch- Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án thủy điện Đắkđrinh (Sơn Tây) thông báo về tình hình tích nước của hồ thủy điện này sau hai ngày mưa lớn: "Cơn mưa đưa thêm một lượng nước khá lớn về hồ chứa, tăng công suất phát máy. Có thể tính toán cụ thể rằng, mưa lớn đã mang lại hàng trăm triệu cho thủy điện Đắkđrinh". Theo ông Thạch, lượng mưa vào lúc cao điểm đổ về hồ công trình thủy điện này khoảng 40 - 70m3/s, hiện cao trình mực nước hồ chứa vào khoảng 483m. Nhờ có lượng mưa lớn, hiện nay công suất phát điện của các tổ máy thủy điện Đắkđrinh vào khoảng 80% công suất thiết kế. Với lượng nước tích trữ này, nhà máy có thể chạy hết công suất trong vòng 10 ngày, tăng sản lượng điện cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia, đảm bảo ổn định nguồn điện năng cho mọi hoạt động; đồng thời vừa đảm bảo chức năng tích nước chống hạn.

 Hồ chứa nước thủy điện Đắkđrinh (Sơn Tây).
Hồ chứa nước thủy điện Đắkđrinh (Sơn Tây).


Đối với thủy điện kết hợp thủy lợi Nước Trong (Sơn Hà), lượng mưa lớn trong hai ngày vừa qua cũng đã giúp tích thêm hàng triệu mét khối nước. Hiện tại, tổ máy của Nhà máy thủy điện Nước Trong đã nâng công suất hoạt động lên khoảng 70 - 85%, nhờ lượng mưa đưa nước về hồ tăng, đồng thời đảm bảo nguồn nước dự trữ trong hồ, cung ứng đủ nước cho sản xuất vụ đông xuân tại các vùng hạ lưu.

Trong 6 tháng đầu năm, do hạn hán, mực nước hồ chứa giảm, công suất phát điện của Nhà máy thủy điện Đắkđrinh có thời điểm chỉ đạt 10 - 20%. Sản lượng điện giảm, dẫn đến nguồn thu giảm, kéo theo khoản thuế đóng góp của thủy điện Đắkđrinh vào ngân sách chỉ đạt khoảng 20% so chỉ tiêu đề ra. Nhiều hoạt động của huyện Sơn Tây được hạch toán vào nguồn thu từ thủy điện bị ảnh hưởng nhất định. Chính vì thế, cơn "mưa vàng" từ ảnh hưởng của bão số 4 cũng đã góp phần giải quyết một chuỗi khó khăn nêu trên.

Giải hạn cho mì, keo

Cuộc sống người dân miền núi Quảng Ngãi hiện nay phụ thuộc nhiều vào hai cây trồng chủ lực là mì và keo. Đối với cây mì, mưa lớn những ngày qua thúc đẩy sự tăng trưởng toàn diện trong thời kỳ cuối, góp phần tăng sản lượng cho vụ thu hoạch rộ sẽ diễn ra khoảng 10 - 20 ngày nữa. Bà Đinh Thị Trà - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: “Cây mì trồng xuống hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Hạn hán kéo dài đã lâu, nay mưa lớn, khiến nông dân trồng mì vui lắm!".
Mưa lớn cũng giúp những đồi keo của miền núi Quảng Ngãi thêm xanh tốt. Mặt khác, mưa cũng giúp cho mùa trồng rừng năm nay thêm thuận lợi.

Ông Trịnh Quyết Tiến - Quyền Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham cho biết: "Vụ trồng rừng 2016 đã triển khai, nhưng vẫn chưa thực hiện được do thời tiết nắng hạn. Cơn mưa trong ngày 11 và 12.9 đã giúp việc trồng rừng thuận lợi hơn. Hiện tại, các anh em trong Ban quản lý đang xúc tiến trồng hơn 13ha rừng thay thế thủy điện Nước Trong. Đất ẩm ướt, tỷ lệ cây sống chắc chắn sẽ cao hơn bình thường".

Sau những ngày mưa, hiện nay Sở NN& PTNT đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng Ba Tơ, Trà Bồng khẩn trương triển khai trồng gần 100ha rừng bù diện tích của các dự án thủy điện đã lấy. Ông Trần Ngọc Thương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Mưa lớn trong hai ngày qua thúc đẩy tiến độ trồng rừng. Nếu không có mưa, chắc việc trồng rừng đúng thời vụ sẽ rất khó khăn!".


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.