(Báo Quảng Ngãi)- Khai thác kiểu tận diệt vì chạy theo sản lượng được xem là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng suy giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Lỗi do người... hưởng lợi
Tình trạng khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện và đèn cao áp đã được khống chế, nhưng chưa triệt để. Thực tế, dù biết kiểu khai thác này vừa gây nguy hiểm cho bản thân, vừa ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước và môi trường, nhưng với suy nghĩ: “Làm thế mới bắt được nhiều loại cá”, không ít người dân vẫn bất chấp để phạm luật.
Nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng suy giảm. |
Điều trái khoái là, dù nắm được tình hình vi phạm của người dân nhưng Chi cục Thủy sản rất khó, thậm chí không thể áp dụng các khung xử phạt theo quy định. “Nhưng cái chính là người dân không dùng tàu cá mỗi khi hoạt động trái phép, nên dù biết họ phạm luật, chúng tôi cũng không thể xử lý”, ông Nguyễn Minh Tú - Phó phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho hay.
Hay như việc khai thác tôm hùm nhí. Vì giá trị kinh tế cao nên đến mùa khai thác người dân các vùng biển trong tỉnh bắt tôm hùm nhí với nhiều phương thức khác nhau. Ngoài việc lặn bắt, một số người dân còn đặt dây phao mắc lưới tại các cửa biển, luồng lạch để bẫy tôm hùm nhí. Cách làm này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tận diệt các loại thủy sản loại nhỏ (ngoài tôm nhí) gần bờ.
Theo phản ánh của ngư dân vùng biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), việc đặt dây phao mắc lưới dày đặc tại các luồng lạch, cửa biển đã gây khó khăn cho tàu thuyền mỗi khi ra vào. “Đã thế, khi tàu vướng vào dây phao gây nguy hiểm, người dân không những không nhận sai mà còn yêu cầu ngư dân chúng tôi phải “đền bù thiệt hại”, ngư dân Nguyễn Sáu, ở xã Phổ Thạnh, cho hay.
Giải pháp “giữ” nguồn lợi
Khai thác theo kiểu tận diệt không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản gần bờ suy giảm mạnh, mà còn gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, Chi cục Thủy sản cho rằng “đơn vị rất trăn trở với công tác quản lý và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản gần bờ”. Bởi, toàn tỉnh có 6 cửa biển lớn là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh, nhưng lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy sản chỉ có 2 người, còn phương tiện cũng không có nên việc tuần tra và xử lý sai phạm trong nghề cá dường như không thể thực hiện.
Muốn chấn chỉnh tình trạng khai thác thủy sản ven bờ theo kiểu tận diệt như hiện nay, Chi cục Thủy sản cho rằng, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm soát số lượng và kích thước các loại tàu; ngư cụ, phương thức khai thác và kích cỡ mắt lưới, mùa khai thác và ngư trường.
Theo ông Nguyễn Văn Mười - Chánh thanh tra Chi cục Thủy sản thì, hiệu quả của việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gần bờ phụ thuộc không nhỏ vào công tác thanh kiểm tra. Bởi, quá trình thanh kiểm tra không chỉ để phát hiện và xử phạt đối tượng vi phạm, mà còn lồng ghép tuyên truyền cho người dân biết về các chủ trương và pháp luật của Nhà nước.
Từ đó nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gần bờ cho người dân. Vì vậy, “chúng tôi mong mỏi cấp trên quan tâm, xem xét tăng cường biên chế; đồng thời hỗ trợ một chiếc tàu kiểm ngư hoặc ca nô để lực lượng thanh tra thuận lợi trong việc tuần tra, xử lý tàu ngư dân hoạt động sai tuyến hoặc trái phép trên biển”, ông Mười cho hay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuy nhiên, giải pháp được xem là khả thi nhất chính là tỉnh nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề và ngư trường. Nhiều ngư dân hoạt động khai thác thủy sản gần bờ cho rằng, họ cũng rất muốn nâng cấp công suất tàu để vươn khơi, nhưng vì nguồn lực hạn hẹp nên đành chịu.
Vì vậy, “nếu được tạo điều kiện, tôi sẵn sàng nâng cấp công suất con tàu 40CV, chuyển sang ngư trường lớn nhằm tăng thu nhập”, ông Nguyễn Văn Linh, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) bộc bạch. Đây cũng là mong mỏi của nhiều ngư dân hoạt động khai thác thủy sản gần bờ trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: MỸ HOA