Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản: Chuyển hướng kinh doanh

07:09, 11/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình trạng thiếu nguyên liệu để hoạt động, nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) của Quảng Ngãi, chuyển sang gia công chế biến hàng xuất khẩu cho những doanh nghiệp (DN) lớn, vừa là dịp để học hỏi kinh nghiệm, vừa giữ chân công nhân...

TIN LIÊN QUAN

Xoay xở tìm "phao cứu sinh"

Nhiều DN CBTSXK của Quảng Ngãi thừa nhận rằng, từ đầu năm 2016 đến nay, là quãng thời gian khó khăn nhất trong vòng 5 năm nay của hoạt động xuất khẩu thủy sản. Hết phải đối mặt với biến động về giá cả, DN xuất khẩu thủy sản lại phải đối diện với thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, vì thiếu nguyên liệu.

Đặc biệt là thông tin hải sản nhiễm độc tố do sự cố Formosa gây ra, ảnh hưởng rất lớn đến DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh. Trong tình hình khó khăn, cũng có nhiều DN nỗ lực xoay xở, để nhà máy có thể trụ vững, vượt qua thời điểm thách thức này.

Gia công chế biến cá, tôm khô xuất khẩu đi Nhật Bản tại Công ty Nguyên Khôi (Cụm CN Sa Huỳnh - Đức Phổ)
Gia công chế biến cá, tôm khô xuất khẩu đi Nhật Bản tại Công ty Nguyên Khôi (Cụm CN Sa Huỳnh - Đức Phổ)


Chúng tôi về làng chế biến cá Sa Huỳnh vào những ngày đầu tháng 8. Ghé thăm cơ sở sản xuất của  Công ty TNHH MTV Nguyên Khôi đúng giờ cao điểm của hoạt động chế biến thủy sản ở đây, tôi chứng kiến có hàng trăm công nhân, chủ yếu là lao động nữ tất bật với những khay tôm, cá, mực. Mồ hôi nhễ nhại, nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui. Chị Nguyễn Thị Bình, công nhân nhà máy cho biết: "Chị em công nhân nhà máy có việc đều đặn, thu nhập cũng được 250.000 - 350.000 đồng/ngày, thế là quá may mắn, vì có người chủ doanh nghiệp giỏi xoay xở".

Chị Lê Thị Thanh - Giám đốc Công ty Nguyên Khôi cho biết, số hàng mà nhà máy đang gia công chế biến là của một DN xuất khẩu hải sản sang Nhật Bản uy tín ở Quy Nhơn và Vũng Tàu. "Máy móc để lâu không vận hành sẽ hư hỏng. Công nhân không có việc làm sẽ rời bỏ nhà máy. Mình đi tìm việc làm cho công nhân, cũng chính là ổn định hoạt động cho DN. Đó cũng là học hỏi cách thức chế biến hiện đại, để có thêm kinh nghiệm, giúp DN vượt qua rào cản kỹ thuật, nếu sau này có cơ hội hợp tác xuất khẩu hải sản với Nhật Bản và các nước tiên tiến khác".

Không thể để DN tự "bơi"

 Mặc dù các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Quảng Ngãi không nhiều, song hằng năm cũng đóng góp hàng triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2016 này, DN CBTSXK của Quảng Ngãi hầu hết rơi vào tình trạng bế tắc. Nguyên nhân lớn nhất là thiếu nguyên liệu chế biến, do thông tin hải sản vùng biển miền Trung chứa độc tố bởi sự cố Formosa xả thải; giá hải sản giảm, ngư dân không mặn mà ra khơi đánh bắt.

 Hầu hết các chủ DN CBTSXK ở Quảng Ngãi cho rằng, nếu không gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu, thì xuất khẩu năm 2016 sẽ còn tăng trưởng mạnh, do nhu cầu thị trường xuất khẩu gần đây tăng cao. Vấn đề thiếu nguyên liệu không phải là vấn đề mới, nhưng rất nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp cải thiện triệt để, nhiều nhà máy phải hoạt động dưới công suất thiết kế.

Một vài DN đã tính đến chuyện nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến. Tuy nhiên, để tìm đối tác, nguồn hàng và "mang" hàng về đến Quảng Ngãi cũng mất thời gian khá dài, gia tăng chi phí. Trong khi đó, DN trong tỉnh chưa dự lường, chủ động để sẵn sàng tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thay thế nguồn tại chỗ.

Trước tình hình khó khăn trên, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo các DN CBTSXK triển khai liên kết thu mua nguyên liệu ổn định; đầu tư máy mọc hiện đại, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Còn các DN lại cho rằng, họ đang "đơn thân độc mã" trong hành trình vượt khó hiện nay. Đồng thời, kiến nghị tỉnh hạn chế cho phép thành lập các nhà máy CBTSXK sản phẩm sơ chế, mà chỉ nên khuyến khích DN chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.
                  

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.