(Báo Quảng Ngãi)- Hai năm gần đây, nhờ giá cả ổn định, sản phẩm làm ra được bao tiêu, người trồng dâu, nuôi tằm ở các xã Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Phước (Nghĩa Hành) có nguồn thu nhập khá.
TIN LIÊN QUAN
Những người “giữ lửa” nghề
Vùng đất dọc dòng sông Phước Giang rất màu mỡ. Vào những năm 1998, người dân ở các xã Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Phước nhờ được nhà nước, doanh nghiệp khuyến khích đã bén duyên với nghề trồng dâu nuôi tằm. Mới đầu chỉ có 12 hộ, nhưng vài năm sau, chỉ tính riêng ở xã Hành Nhân, có thời điểm tăng đột biến lên 200 hộ chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm.
Nhưng rồi, nghề chỉ thịnh trong một thời gian ngắn, bởi thiếu quy hoạch, kỹ thuật nuôi khắt khe, giá cả bấp bênh. Tưởng chừng nghề này đã “lụi tàn”, thì trong hai năm trở lại đây giá kén ổn định. Cùng với đó là sản phẩm làm ra được bao tiêu. Nghề trồng dâu, nuôi tằm bên dòng Phước Giang từng bước hồi sinh.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân. |
Ông Nguyễn Văn Đóa - Giám đốc HTX Hành Nhân, là người 18 năm gắn bó với nghề dâu tằm, chia sẻ: "Năm 2015 tăng lên 5 hộ trồng dâu nuôi tằm nữa, hiện có khoảng 24 hộ tham gia nuôi. Đó là tín hiệu đáng mừng. Giá kén từ năm trước đến giờ xấp xỉ mức 100 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập tương đối khá cho nhiều nông dân”.
Ở Hành Nhân, những người như ông Nguyễn Văn Đóa, hay trưởng thôn Bình Thành, ông Nguyễn Tấn Thanh... là một trong số ít những người gắn bó lâu năm với nghề. Bởi có thời điểm, hàng trăm nông dân “quay lưng” với nghề, thì họ vẫn thầm lặng “giữ lửa” cho nghề. Ông Nguyễn Tấn Thanh, bảo rằng: "Nghề trồng dâu, nuôi tằm, không nặng mà nhọc, nhưng được cái là thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây như mì, đậu.
Sở dĩ nhiều người bỏ nghề là do họ chạy theo phong trào, thấy lợi là ồ ạt trồng một cách tự phát, không nắm được những điều kiện kỹ thuật của nghề này. Bây giờ số hộ nuôi tằm không còn nhiều như trước, nhưng tất cả họ đều có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Thuận lợi lớn nhất là giá cả ổn định, đầu ra đảm bảo, nên tôi nghĩ những hộ nuôi này sống khỏe với nghề mà mình gắn bó”.
Giải bài toán nguồn giống
Nhiều hộ dân trồng dâu, nuôi tằm cho biết, nghề này khó nhất là chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết. Nhiệt độ thích hợp để tằm phát triển từ 28-32ºC. Vì vậy, vụ đông xuân là điều kiện lý tưởng để nuôi tằm. Thế nhưng, thời điểm này mưa nhiều, khí hậu lạnh, cây dâu cho lá rất ít, dẫn đến nguồn thức ăn cho tằm không đảm bảo, vì vậy các hộ nuôi với số lượng rất hạn chế. Đến vụ hè thu thì ngược lại, nhiệt độ cao, nên tằm thường mắc bệnh vì nắng nóng. Trong khi đó cây dâu lại phát triển tốt nhờ thời tiết thích hợp. Điều kiện thời tiết như vậy chẳng khác nào “trêu người” người trồng dâu nuôi tằm.
Để khắc phục khó khăn trên, trong những năm gần đây, người trồng dâu, nuôi tằm ở Nghĩa Hành đã linh hoạt tìm mua giống cây dâu mới ở Gia Lai trồng thay thế giống dâu bản địa đã cằn cỗi. Bà Nguyễn Thị Miên, ở thôn Kim Thành Hạ, xã Hành Dũng, là hộ trồng dâu nuôi nằm lâu năm, cho biết: “Bây giờ bà con nuôi tằm ai cũng trồng giống dâu mới. Cây phát triển quanh năm, năng suất lá nhiều gấp đôi so với giống dâu bản địa”.
Ông Lê Quang Nhu - Phó Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: Nghĩa Hành từng là “thủ phủ” của nghề trồng dâu, nuôi tằm. Tuy nhiên, để nghề này không rơi vào tình cảnh "sớm nở, tối tàn", người làm nghề rất cần nhà nước hỗ trợ để liên kết mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, chứ không phải nhỏ lẻ, manh mún như hiện tại.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN