Phụ nữ Bình Thới: Phát triển mô hình trồng rau sạch

02:08, 04/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mong muốn tuyên truyền đến người dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác, Hội LHPN xã Bình Thới (Bình Sơn) đã xây dựng mô hình trồng rau sạch. Đến nay, mô hình này được nhân rộng, góp phần thay đổi ý thức, tập quán canh tác rau cho người dân, hướng đến hình thành vùng chuyên canh rau xanh an toàn.

TIN LIÊN QUAN

Bà Nguyễn Thị Reo- Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thới, từng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nên am hiểu quy trình và hiệu quả của việc trồng rau sạch. Vì thế, bà đã chủ động triển khai làm thí điểm mô hình trồng rau sạch để ngươi dân địa phương học hỏi, làm theo. Mô hình được thực hiện đầu tháng 5.2016 tại cánh đồng Gò Bướm, khu dân cư số 4, thôn Giao Thủy. Các loại rau xanh được gieo trồng gồm: Rau muống, mồng tơi, dền, bí đao, mướp...

Tất cả các công đoạn từ làm đất, làm giàn, lên luống đều do các chị em hội viên phụ nữ đảm nhận. Sau 15 ngày, mô hình rau cho thu hoạch lứa đầu tiên và cứ đều đặn mỗi lứa thu hoạch cách nhau từ 10 - 15 ngày. Đến nay, trên 1 sào đất, Hội Phụ nữ xã Bình Thới đã thu hoạch được 3 lứa rau, với hơn 1.000kg, trừ các chi phí thu về lợi nhuận gần 4 triệu đồng.

Hội viên phụ nữ xã Bình Thới (Bình Sơn) cùng nhau thu hoạch rau sạch để bán.
Hội viên phụ nữ xã Bình Thới (Bình Sơn) cùng nhau thu hoạch rau sạch để bán.


Thấy được hiệu quả từ mô hình này, người dân trong xã đã học hỏi kinh nghiệm, để bắt tay vào canh tác, đồng thời đăng ký tiêu thụ rau sạch cho người dân. Chị Hồ Thị Lan (49 tuổi), ở thôn Giao Thủy cho biết: Nhà ở gần ruộng rau, nên tôi thường xuyên cùng các chị em trong hội đến chăm sóc, thu hoạch rau. Không sử dụng thuốc trừ sâu, nên cả người trồng và người sử dụng đều được bảo đảm sức khỏe. Nhà tôi cũng trồng rau theo cách này, có thể tốn nhiều công chăm sóc hơn, nhưng được dùng rau sạch sức khỏe vẫn tốt hơn.

Mô hình này còn giúp gắn kết các chị em hội viên, tạo thêm nguồn quỹ cho hội hoạt động. “Tôi cùng 2 chị hội viên trong Hội chịu trách nhiệm chính trong việc cắt rau bán. Việc bán được bao nhiêu ký, bao nhiêu tiền đều báo lại cho thủ quỹ của Hội, mọi thứ đều công khai. Dù vất vả, nhưng tôi luôn nghĩ vườn rau của Hội cũng như rau của mình, tiền thu được lại sung vào quỹ Hội để giúp đỡ các chị em hội viên khó khăn, nên tôi thấy góp chút công sức cũng là chuyện bình thường”, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh chia sẻ.

Từ việc làm thí điểm mô hình trồng rau sạch của Hội LHPN xã, Đảng ủy, UBND xã Bình Thới đã đồng ý cho chủ trương chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng rau sạch trên diện tích gần 2ha ruộng ở cánh đồng Bờ Bướm. “Với chất đất thịt pha cát, thế đất cao, phù hợp cho việc canh tác rau màu, nên tôi tin sẽ vận động, thuyết phục được các hộ dân tham gia, nhằm vừa tăng thu nhập, vừa hướng đến hình thành vùng chuyên canh rau sạch, an toàn”, bà Nguyễn Thị Reo- Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thới, cho biết.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.