Lý Sơn với bài toán phát triển nghề nuôi trồng thủy sản

02:08, 26/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)-Trong 3 năm trở lại đây, nghề nuôi thủy sản ở Lý Sơn phát triển mạnh. Nhiều ngư dân đã bỏ nghề đi biển để theo nghề nuôi thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế khá cao, thì nghề nuôi thủy sản trên đảo cũng gặp không ít rủi ro và có không ít người trắng tay.
 
Hiện Lý Sơn có khoảng 60 hộ nuôi thủy sản lồng bè. Tổng số tiền đầu tư cho các lồng bè (kể cả con giống) gần 100 tỷ đồng. Trong vụ nuôi vừa qua, có 14 bè, với hơn 14.500 con cá bớp bị chết, tổng thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng. 
 
Lãi nhiều, rủi ro lớn
 
Trong cái nắng gay gắt của những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi theo ghe một số ngư dân trên đảo ra thăm chủ hồ nuôi thủy sản trên đảo. Nằm cách đảo chưa đầy 500m là hàng chục hồ nuôi thủy sản của ngư dân nằm san sát nhau trông như những nhà nổi trên biển. 
 
Nhiều ngư dân cho biết, nghề nuôi thủy sản ở Lý Sơn chỉ phát triển mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy Lý Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản, nhưng do mức đầu tư cho bè lồng nuôi thủy sản khá cao, kèm với đó tính rủi ro lớn nên không phải ngư dân nào cũng đủ khả năng để đầu tư nuôi.
 
Cá bớp nuôi lồng bè ờ Lý Sơn
Cá bớp nuôi lồng bè ờ Lý Sơn.
 
Theo các hộ nuôi lồng bè ở đây cho biết, để đầu tư một bè nuôi ngư dân phải có trong tay ít nhất không dưới 1,5 tỷ, trong đó tiền đầu tư lồng bè từ 500-700 triệu đồng tùy theo số lượng lồng (thông thường một bè nuôi có từ 40-60 lồng). Tiền đầu tư nhiều nhất là con giống và thức ăn nuôi đến khi thu hoạch.
 
Ông Lê Minh Hà- một ngư dân nuôi thủy sản ở đây cho biết, vụ đầu tiên ông đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để thả nuôi thủy 1.100 con cá bớp. Sau 10 tháng nuôi, cá cho thu hoạch, trừ hết chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng. Hiện ông tiếp tục thả nuôi trên 1.000 con và đang chuẩn bị thu hoạch. Ông Hà cho biết, nuôi thủy sản nếu thuận lợi thì người nuôi sẽ nhanh giàu.
 
Ngoài nuôi cá bớp thì nhiều ngư dân trên đảo cũng đầu tư nuôi tôm hùm. Mức đầu tư tôm hùm thì cao hơn so với cá bớp, nhưng thuận lợi thì hiệu quả cao hơn. Các hộ nuôi thủy sản ở đây cho biết, trung bình, mỗi hộ dân bỏ ra 1,2 đến 1,5 tỷ đồng thả nuôi tôm hùm, sau hơn 1 năm rưỡi có thể thu thu lãi 700 - 800 triệu đồng.
 
Mặc dù nuôi thủy sản lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên cũng gặp nhiều rủi ro. Nhiều hộ nuôi cũng trắng tay chỉ sau một đêm. Trường hợp của ông Phù Của là một ví dụ. Cuối năm 2015, gia đình ông đầu tư lồng bè thả nuôi 2.100 con tôm hùm giống. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nuôi nên tôm cứ chết dần, lỗ mấy trăm triệu đồng. 

 

Nuôi thủy sản lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên rủi ro cũng không ít
Nuôi thủy sản lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên rủi ro cũng không ít (Trong ảnh, người nuôi xử lý cá bớp bị đỏ mắt).
 
Ông Của cho biết thêm ngoài tôm hùm, gia đình ông còn thả nuôi 2.150 con cá bớp nhưng vừa qua, khi cá có trọng lượng từ 3-4 kg/con thì bỗng dưng chỉ một đêm bị chết sạch. Vụ đó, ông mất trắng khoảng 600 triệu đồng gần như trắng tay. Sau vụ đó, ông làm đơn gửi huyện để xin xem xét hỗ trợ, đồng thời ông tiếp tục vay mượn để thả nuôi lứa mới, nhằm gỡ mấy vụ trước.
 
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, trong vụ nuôi vừa qua, không chỉ gia đình ông Phù Của mà toàn huyện có 14 bè, với hơn 14.500 con cá bớp bị chết, tổng trọng lượng khoảng 21,759 tấn, thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng. 
 
Nguyên nhân cá chết hàng loạt đã được các cơ quan chuyên môn xác định là ảnh hưởng nguồn nước nóng đi qua gây thiếu ô xy, làm cá nổi lên mặt nước trong thời gian 30 phút rồi chết. Huyện Lý Sơn cũng đã có văn bản gửi các cấp các ngành để xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi thủy sản trên huyện.
 
Nuôi tự phát và bài toán quy hoạch  
 
So với nhiều địa phương có mặt nước biển thì Lý Sơn là nơi có vùng mặt nước biển thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thời gian qua, việc nuôi thủy sản của ngư dân trên đảo phần lớn là tự phát, không theo quy hoạch, trong khi đó người nuôi cũng chưa có kinh nghiệm nuôi dẫn đến rủi ro cao.
 
Theo ông Lê Văn Đôi- Phó phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, bao đời nay ngư dân Lý Sơn chủ yếu là làm nghề đánh bắt hải sản xa bờ, chứ chưa hề biết nuôi trồng thủy sản. Nhiều ngư dân sau khi đi tham quan các mô hình nuôi thủy sản ở các tỉnh sau đó về phát triển nuôi tự phát.
 
Nuôi trồng thủy sản là nghề đang được khuyến khích phát triển, tuy nhiên việc người dân phát triển tự phát tràn lan như hiện nay làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái, dễ phát sinh dịch bệnh và khó khăn trong tránh trú cho lồng bè khi có thiên tai xảy ra.

 

Việc phát triển các lồng bè thủy sản ở Lý Sơn thời gian qua là tự phát
Việc phát triển các lồng bè thủy sản ở Lý Sơn thời gian qua là tự phát.
 
Chính vì vậy, để nghề nuôi trồng thủy sản Lý Sơn trở thành một nghề có thế mạnh, huyện Lý Sơn đã tiến hành quy hoạch đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn từ nay đến 2025, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 286 tỉ đồng huy động từ nguồn ngân sách, do người dân và doanh nghiệp đầu tư.
 
Mục tiêu quy hoạch nuôi trồng thủy sản của huyện Lý Sơn là nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản, gắn kết chặt chẽ với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thành một nghề sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá trị cao, đảm bảo môi trường sinh thái, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông và du lịch biển.
 
Qua khảo sát, bờ biển ven đảo Lý Sơn có 7 khu vực đảm bảo được yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản. Các khu vực này đều đạt thông số về độ sâu mực nước, khoảng cách từ bờ đến khu vực nuôi, địa hình đáy biển, tốc độ gió, sóng biển, không nằm trên các tuyến giao thông thủy, khu vực du lịch biển, quốc phòng, an ninh.
 
Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, huyện Lý Sơn cũng đề ra các biện pháp kiểm soát mức độ tăng quy mô lồng nuôi hằng năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng lên 200 lồng. Theo đó, đến năm 2025, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Lý Sơn là 50ha, sản lượng đạt 70 tấn, giá trị trên 100 tỉ đồng, chiếm 8 - 10% tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản của huyện. 
 
Ngoài định hướng tập trung đẩy mạnh nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế như cá bớp, tôm hùm ở những khu vực biển có điều kiện thuận lợi, còn những nơi khác thì huyện cũng khuyến khích và hỗ trợ người dân nuôi các loại rong biển và nhuyễn thể.
 
Lý Sơn có địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản. Với những quy hoạch và định hướng của mình thì trong tương lai, nghề nuôi trồng thủy sản sẽ trở thành thế mạnh của huyện đảo này.
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.