Hiệu quả từ cây ăn quả trái vụ

02:08, 29/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ít tốn công chăm sóc, mỗi năm thu hoạch một lần, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích... là những ưu điểm của cây ăn quả trái vụ trên vùng đất trung du Nghĩa Hành. Ngoài ra, thời điểm thu hoạch của cây ăn quả trái vụ ở Quảng Ngãi không trùng với vụ trái cây miền Nam và miền Bắc, nên sức tiêu thụ mạnh.

TIN LIÊN QUAN

Được mùa, được giá

Những ngày qua, vườn nhãn xuồng cơm vàng với khoảng 70 cây của gia đình bà Võ Thị Nga ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) có nhiều thương lái đến thu mua. Vườn nhãn đang mùa thu hoạch trái to, cơm dày, vị ngọt, được nhiều người ưa thích. Thời gian thu hoạch nhãn trước rằm tháng 7, nên tiêu thụ nhanh.

Ưu điểm của thanh trà là sai trái và giá bán khá cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng.
Ưu điểm của thanh trà là sai trái và giá bán khá cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng.


Bà Nga cho biết, vườn nhãn trồng năm 2000. Sau 4 năm, nhãn cho thu hoạch. Trung bình mỗi mùa thu hoạch khoảng 1 tấn. Năm nay, nhãn xuồng cơm vàng vừa được mùa, được giá. Thương lái thu mua tại vườn là 25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng so với năm 2015). Ước tính sản lượng nhãn năm nay khoảng 1,3 tấn. Dự kiến, hết mùa thu hoạch nhãn, bà Nga thu khoảng hơn 30 triệu đồng.

Cạnh vườn bà Nga, gia đình ông Tiêu Tùng ở thôn Tình Phú Nam đang tỉa cành cho nhãn. Ông Tùng cho hay, năm nay thương lái đã thu mua hết nhãn, nên thời điểm này ông  đã tỉa cành, chuẩn bị vào phân, tưới nước chuẩn bị cho vụ mùa năm tới. “Cây nhãn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Nghĩa Hành, nên sinh trưởng, phát triển tốt, sai trái.

Nhãn xuồng cơm vàng ra hoa vào khoảng tháng 4 hằng năm, đến tháng 6, 7 cho thu hoạch. Công chăm sóc cũng ít, tận dụng được lao động trong nhà. Trong vườn nhãn có thể xen canh thêm các loại cây trồng khác... Với giá 25.000 đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Ưu điểm của cây ăn quả trái vụ

Hiện cũng đang là mùa thu hoạch bưởi, thanh trà, mít Thái... ở Nghĩa Hành. Bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Tình Phú Nam cho hay, gia đình bà trồng 5 sào gồm bưởi và thanh trà. Năm 2015, thanh trà có giá 22.000 đồng/trái. Năm nay, dù sản lượng thu hoạch không bằng các năm trước, nhưng giá thanh trà tăng từ 3.000 - 6.000 đồng/trái, nên thu nhập từ vườn cây không giảm.

“Cây ăn trái có ưu điểm là “nhẹ phân”, không thuốc trừ sâu. Vùng đất Nghĩa Hành chịu nước, nên phù hợp với cây ăn trái. Không chỉ tiêu thụ mạnh vào dịp tháng 7 âm lịch, bưởi và thanh trà còn đắt hàng vào dịp trước Tết Nguyên đán. Thời gian đến, tôi dự định đầu tư trồng thêm bưởi da xanh và thanh trà, vì sản lượng thu hoạch và hiệu quả kinh tế cao”, bà Tuyết cho hay.

Theo ông Đoàn Tấn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Hành Minh thì, lợi thế của các loại trái cây ở Nghĩa Hành như nhãn, bưởi, sầu riêng... là thời gian thu hoạch không trùng với vụ trái cây ở miền Nam và miền Bắc. Hiện nay, nhiều tuyến đường trong xã đã bê tông, thuận lợi cho người dân vận chuyển trái cây buôn bán. Quãng đường vận chuyển đến các chợ trong tỉnh ngắn, nên ít hao hụt, chất lượng trái cây đảm bảo. Đồng thời, người tiêu dùng có niềm tin với trái cây trong tỉnh, nên thị trường tiêu thụ mạnh.

Ngoài các ưu điểm trên, trong vườn cây ăn quả, người trồng có thể tận dụng dưới tán cây nuôi trồng thêm các loại gia súc, gia cầm như gà, heo ki, đào ao nuôi cá, trồng cỏ nuôi bò... Ông Đặng Tấn Lãnh - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 45 ha cây ăn trái. Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây ăn trái cao hơn từ hai đến ba lần so với cây lúa.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.