Đậu phụng sẻ "bén duyên" với đất lúa thiếu nước

10:08, 27/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Mô hình trồng đậu phụng sẻ có sức chịu hạn tốt trên chân đất lúa bấp bênh nước tưới ở thôn Gò Đập (xã Ba Vinh) đã mở ra một hướng mới trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
 
Cánh đồng ở thôn Gò Đập (xã Ba Vinh) trước đây là vùng chuyên canh lúa. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thiếu nước, khô hạn, người dân lại ít bón phân nên cánh đồng này trở nên hoang hóa, suy giảm chất dinh dưỡng.  
 
Dần dần từ một vùng chuyên canh lúa nước, nơi đây bỗng chốc trở thành cánh đồng cỏ. Có nơi, cỏ vươn lên quá đầu người, đất khô cằn đến nứt nẻ. Cả một khoảng đất lớn bị bỏ phí từ nhiều năm nay.
 
Ấy vậy mà, chỉ chưa đầy nữa năm, Gò Đập đã dần đổi thay. Màu cỏ dại cháy vàng cả cánh đồng được thay thế bằng một mày xanh mướt rượt của cây đậu phụng sẻ (giống địa phương). Bà con trong vùng, ai nấy đều phấn khởi vô cùng.
 
Hộ gia đình ông Phạm Văn Đắp, 64 tuổi là một trong những hộ gia đình tiên phong trong việc chuyển đổi phần diện tích đất lúa thiếu nước, bỏ hoang sang trồng đậu phụng sẻ. Bước đầu, bốn sào ruộng này đã mang lại những kết quả khả quan. 
 
Người dân địa phương chăm sóc đậu phụ sẻ.
Người dân thôn Gò Đập (xã Ba Vinh) chăm sóc đậu phụng sẻ.
 
Nhìn những bụi đậu tốt cây, tốt trái, ông Đắp chia sẻ trong niềm hân hoan: “Nhà tôi có 4 sào ruộng thì có 2 sào bỏ hoang quanh năm. Hai sào còn lại trồng được vụ lúa đông xuân nhưng năng suất thấp lắm, đến hè thu thì bỏ đất không, cằn cỗi. Bây giờ nhờ nhà nước cho chuyển đổi sang trồng cây đậu phụng, tôi mừng vô cùng!”
 
Qua theo dõi cho thấy, từ đầu vụ đến nay, ruộng đậu khảo nghiệm nhà ông phát triển tốt, không bị nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm. Đó là kết quả của việc ông thường xuyên ra đồng chăm sóc đậu, nhổ cỏ, theo dõi quy trình phát triển của cây đúng với yêu cầu kỹ thuật. 
 
Ông Phạm Văn Trăng, 70 tuổi, thôn Gò Đập cũng có chung cảm xúc như gia đình ông Đắp. Ông Trăng bảo: “Không vui sao được khi 3 sào ruộng nay như hồi sinh với cây đậu phụng sẻ. Từ nay, gia đình già không còn phải lo đói, nghèo nữa. Già sẽ chăm sóc chúng thật tốt để ít ngày nữa thu hoạch rồi đổi gạo về ăn”.
 
Vụ hè thu 2016, thôn Gò Đập (xã Ba Vinh) là nơi đầu tiên được Trạm khuyến nông huyện trồng thí nghiệm, trình diễn mô hình chuyển đổi trồng cây đậu phụng sẻ trên đất lúa thiếu nước. 
 
Sau khi khảo sát tình hình ở địa phương, chọn điểm và lựa chọn các hộ tham gia mô hình, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với địa hương, cán bộ khuyến nông viên cơ sở tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng đậu phụng sẻ cho 21 hộ dân.
 
Mô hình được thực hiện theo cách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Diện tích được triển khai là 2ha. Nhà nước hỗ trợ trên 30 triệu đồng, phần còn lại là do nông dân đầu tư. Với kinh phí này, Trạm khuyến nông đã trực tiếp đầu tư giống, cùng các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng bào trực tiếp làm cỏ, chăm sóc cho cây.
 
Chia sẻ về việc lựa chọn giống đậu sẻ để triển khai, anh Huỳnh Ngọc Vũ- Nhân viên kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Ba Tơ cho hay, do đây là lần đầu tiên thực hiện việc trồng đậu trên phần đất lúa thiếu nước ở vụ hè thu nên chúng tôi phải đi từ bước nhỏ là chọn giống quen thuộc với người dân, để họ dễ dàng ứng dụng vào việc trồng thử nghiệm. 
 
Sau khi triển khai thành công, dần dà, trạm sẽ chọn các giống đậu phộng mới cho năng suất và chất lượng cao hơn. Với cách làm như vậy, người dân dễ tiếp cận với kỹ thuật hơn, ít bỡ ngỡ. Mặc khác, giống đậu sẻ tuy năng suất ít nhưng chất lượng tinh dầu cao hơn so với các loại đậu khác.
 
Đậu phụng sẻ
Theo đánh giá bước đầu từ Trạm khuyến nông huyện, giống đậu sẻ lại khá thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương nên sinh trưởng đồng đều, đạt chỉ tiêu về chất lượng.
 
Quả thực, sau hơn hai tháng triển khai thực hiện mô hình, người dân “bắt nhịp” khá nhanh. Giống đậu sẻ lại khá thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương nên sinh trưởng đồng đều, đạt chỉ tiêu về chất lượng.
 
Theo tính toán, một năm nếu người dân trồng 2 vụ lúa, người dân chỉ thu được 50 tạ/ha. Còn nếu vụ đông xuân trồng lúa, đến vụ hè thu trồng đậu thì tổng năng suất có thể đạt đến 80 tạ/ha. Mặc khác, kết thúc vụ đậu hè thu, vụ đông xuân tới trồng lúa có thể tăng năng suất lên đến 30%. Bởi cây đậu phộng sẻ cải tạo đất tốt, làm đất tơi xốp, ngăn chặn sâu bệnh, cây lúa sẽ dễ sinh trưởng, phát triển.
 
Trước những kết quả bước của mô hình trồng phụng sẻ trên chân đất thiếu nước ở địa phương, ông Cao Văn Hải- Chủ tịch UBND xã Ba Vinh cho biết, sắp tới địa phương sẽ có hướng cải tạo đất, chuyển đổi 16ha đất bỏ hoang còn lại và phần diện tích trồng keo sai mục đích sử dụng sang trồng đậu phụng sẻ.
 
Ông Lê Thanh Lực- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, đánh giá: “Mô hình đã dần có tác động mạnh tới nhận thức của người nông dân trong thôn và các thôn khác ở địa phương về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để thúc đẩy từ tính độc canh cây trồng sang luân canh, làm thay đổi phương thức sản xuất cũ của người vùng cao. 
 
“Từ đó, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cho hộ gia đình và tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Lực chia sẻ thêm.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.