Nhân rộng các mô hình khuyến nông tiêu biểu

02:07, 04/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn 2011 – 2015, Trung tâm khuyến nông (KN) tỉnh đã trình diễn được rất nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao. Qua đó khuyến cáo nhân dân nhân rộng trong thực tiễn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

TIN LIÊN QUAN

Với các dự án khuyến nông Trung ương hỗ trợ, Trung tâm KN tỉnh đã triển khai thực hiện 4 chương trình: Chăn nuôi lợn hướng nạc, trồng thâm canh keo lai hom, nuôi cá vượt trong ao, máy dò ngang. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.

Trình diễn mô hình máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng Đức Phổ.
Trình diễn mô hình máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng Đức Phổ.


Các dự án KN của tỉnh cũng được triển khai thực hiện tại rất nhiều địa phương, trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Chẳng hạn, với sản xuất lúa đã triển khai thực hiện các mô hình: Áp dụng 3 giảm 3 tăng; cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước ở miền núi; cánh đồng mẫu lớn ở các huyện đồng bằng. Những mô hình này đã mang lại kết quả tốt, được nhân rộng ra đại trà, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và cung ứng các bộ giống lúa chất lượng, phẩm cấp tốt cho sản xuất.
 

 "Chỉ có thể duy trì bền vững và mở rộng được các mô hình khuyến nông, khuyến ngư khi có người dân tham gia. Do vậy nội dung khuyến nông, khuyến ngư phải gắn với yêu cầu sản xuất, thực tiễn đời sống ở địa phương. Thời gian đến, Trung tâm sẽ phát huy ưu điểm này mạnh hơn nữa để giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới".
Ông NGÔ HỮU HẠ - Giám đốc Trung tâm KN tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm KN đã thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả đầu dòng như sầu riêng, bưởi, chôm chôm, bơ sáp chất lượng và thanh long ruột đỏ. Các mô hình đều đạt mục tiêu đề ra. Riêng cây bưởi da xanh và thanh long ruột đỏ đã nhân rộng trên 10ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm KN đã thực hiện 6 nhóm mô hình: Dự án phát triển đàn bò; mô hình cải tiến nuôi trâu, bò ở các huyện miền núi; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ, chăn nuôi bò lai sinh sản và bê lai; chăn nuôi gà an toàn sinh học; trồng cỏ VA06 thâm canh; chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học. Ở khu vực đồng bằng, các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Riêng dự án lai tạo đàn bò, thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đã tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bò vàng Việt Nam. Toàn tỉnh đã có trên 20.000 bò cái được thụ tinh nhân tạo, qua đó tạo ra khoảng 16.000 con bê lai. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học và chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học cũng đem lại hiệu quả cao, giúp người chăn nuôi được tiếp cận, học hỏi kỹ thuật mới, thay đổi tập quán chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân.

 Đối với công tác khuyến ngư, các mô hình nuôi thủy sản đã được Trung tâm KN triển khai ở nhiều địa phương như nuôi cá điêu hồng, hồng đỏ và các loại cá nước ngọt khác tại 6 huyện miền núi của tỉnh. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả, giúp đồng bào miền núi tận dụng các lạch nhỏ hoặc tự đào ao nuôi cá, cung cấp thực phẩm tại chỗ cho gia đình, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày và phát triển kinh tế hộ. Các huyện ven biển, hải đảo như Lý Sơn, Đức Phổ, Bình Sơn thì tập trung xây dựng các mô hình theo hướng hàng hóa như: Nuôi cá bớp, tôm hùm, nuôi hàu Thái Bình Dương, qua đó tăng thu nhập cho người dân. Riêng mô hình lắp máy dò ngang trên tàu cá đã làm tăng sản lượng đánh bắt hải sản lên hơn 150%, hiệu quả kinh tế tăng trên 50%, chi phí nhiên liệu giảm 26%, hiện mô hình đã được nhân rộng trên 300 máy.

 Trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, Trung tâm KN đã xây dựng 6 nhóm mô hình: Hầm biogas; máy phát điện sử dụng biogas; máy phun thuốc trừ sâu; máy làm đất; mô hình hỗ trợ chế biến bảo quản lúa gạo cho xã Ba Xa (Ba Tơ) và máy gặt đập liên hợp. Các mô hình này đạt hiệu quả tốt, giúp nông dân giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Đặc biệt là mô hình máy gặt đập liên hợp, đến nay tại các huyện đồng bằng đã có trên 200 máy, đảm bảo gặt khoảng 20.000ha lúa, rút ngắn thời gian thu hoạch, tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/ha.
     

  Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM
 


.