(Báo Quảng Ngãi)- Thành lập từ năm 2011 nhưng Hợp tác xã (HTX) đánh bắt và dịch vụ thủy sản Bình Chánh (Bình Sơn) lại không có trụ sở để hoạt động nên gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, việc chuyển giao địa điểm hoạt động kinh doanh của Công ty Trường Đà lâu nay sang cho HTX sẽ là cơ hội để HTX phát triển các dịch vụ, đem lại thuận lợi cho bà con xã viên.
TIN LIÊN QUAN
Hơn 5 năm đi tìm trụ sở
Vì không có trụ sở nên mỗi lần tổ chức họp, HTX phải mượn hội trường của thôn, nhưng cũng chỉ được 2 năm thôn đã lấy lại nên HTX rơi vào cảnh bơ vơ. “Chúng tôi vào HTX với mong muốn mình được bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, vay vốn... từ các chính sách của Nhà nước; được thu mua nguồn hải sản từ biển khơi mang về đem bán không bị ép giá. Thế nhưng, do không có trụ sở hoạt động nên mọi dịch vụ cũng khó phát triển”, anh Nguyễn Hữu Lộc, thành viên HTX cho biết.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hữu Ngọt – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh cho biết: “Trước đây, Công ty Trường Đà đã thuê đất của xã để hoạt động kinh doanh dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu biển. Lúc HTX thành lập, Công ty Trường Đà cũng đã hết thời gian thuê đất để giao lại cho HTX. Tuy nhiên, thời điểm này, đất ở đây lại không thuộc xã quản lý nữa mà nằm trong KKT Dung Quất nên xã không thể giao lại cho HTX được”.
Có trụ sở hoạt động sẽ mở ra cơ hội để HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh phát triển. |
Không thể hoạt động mà không có trụ sở nên ông Ngọt đã tìm đến Ban Quản lý KKT Dung Quất, sau đó xin tỉnh và làm việc với các sở, ban ngành để được tiếp nhận diện tích đất mà Công ty Trường Đà đang sở hữu. Nhưng phải sau hơn 5 năm, Công ty Trường Đà mới giao lại đất cho HTX quản lý.
Cơ hội để phát triển
Có được cơ sở để hoạt động, các thành viên HTX vô cùng phấn khởi. Mặc dù hoạt động đánh bắt ngày càng khó khăn, nhưng mỗi xã viên đã đồng tình đóng góp 40 triệu đồng để mua lại một số vật tư của Công ty Trường Đà và nâng cấp sửa chữa, đóng góp vào sự phát triển chung của HTX.
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọt, việc tiếp nhận diện tích 3.600m2 của Công ty Trường Đà chuyển giao lại sẽ là cơ hội lớn để HTX phát triển, tăng doanh thu. Bởi khi có trụ sở hoạt động, HTX sẽ đẩy mạnh dịch vụ kéo tàu thuyền, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và mua bán các vật tư phục vụ cho bà con ngư dân; giải quyết việc làm cho 100 lao động tại địa phương, trong đó ưu tiên cho gia đình của các xã viên. Hiện nay, HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh có 28 thành viên, với 25 tàu tham gia.
Bên cạnh đó, một khi HTX phát triển được dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền sẽ giúp bà con xã viên giảm được chi phí trong quá trình sửa chữa và đóng mới, giúp ngư dân an tâm đánh bắt. “Thường thì trước đây, đối với tàu được đóng theo Nghị định 67 mỗi lần làm nước phải mất 12 triệu đồng, còn tàu bình thường sẽ có giá hơn 6 triệu đồng. Bây giờ Trường Đà đã giao lại cho HTX, thì chi phí cho mỗi lần làm nước đối với tàu của xã viên sẽ được giảm từ 1 – 1,5 triệu đồng”, ông Ngọt nói.
Bài, ảnh: HỒNG HOA