(Baoquangngai.vn)- Sau hơn một năm triển khai, tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu, dự án được xem như “phao cứu sinh” giúp cho người dân ở huyện Sơn Tây dần thoát nghèo bền vững.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Phao cứu sinh” thoát nghèo
Năm 2015, cùng với huyện Sơn Hà, Ba Tơ thì Sơn Tây là một trong ba huyện có Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được thực hiện ở Quảng Ngãi. Tính đến thời điểm này, dự án đã có những bước chuyển biến tích cực.
Năng xuất lúa, bắp tăng đáng kể. Đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt. Phần lớn hộ nghèo được sở hữu vườn rau sạch, đàn gà đẻ trứng nhằm cải thiện đời sống, bữa ăn gia đình, góp phần thoát nghèo cho chính mình. Các công trình được đầu tư, xây dựng, dần thay đổi bộ mặt nông thôn huyện nhà.
Gia đình bà Đinh Thị Mắc (thôn Tu La, xã Sơn Mùa) là một trong những hộ nghèo được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ nuôi bò.
Đàn gà tạo sinh kế của gia đình ông đã đẻ trứng, nhân rộng đàn gà. |
Quanh năm bám nương làm lúa rẫy không đủ để bà trang trải cuộc sống gia đình. Từ lúc nhận bò về, bà Mắc tỏ rõ ý chí, quyết tâm xóa được cái đói, giảm được cái nghèo. Khi cán bộ mở lớp tập huấn, bà tham gia đầy đủ, cho đến nay các kỹ thuật cơ bản về chăm sóc, phòng bệnh và trồng cỏ cho bò, bà cơ bản đã nắm rõ.
Chia sẻ về niềm vui của gia đình, bà phấn khởi: “Được dự án cho bò, gia đình rất phấn khởi. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để nó lớn nhanh, nhân rộng và phát triển kinh tế cho gia đình”.
Ngoài ra, nhóm sinh kế nuôi gà, vịt và trồng rau sạch cũng mang lại nhiều kết quả. Người dân nay đã biết tự mình chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện bữa ăn dinh dưỡng gia đình, làm chủ cuộc sống.
Hơn thế nữa, việc thành lập các tổ, nhóm sinh kế cũng đã góp phần nâng cao năng lực cán bộ địa phương và người dân, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Cùng với đó, dự án gắn kết tình đoàn kết giữa các thành viên, giúp họ cùng nhau phát triển kinh tế, hướng đến việc thoát nghèo bền vững.
Không giấu được niềm vui, ông Đinh Văn Chênh, thôn Huy Em (xã Sơn Mùa), chia sẻ: “Gia đình tôi được nhận nuôi 20 con gà. Đến nay gà nuôi đã lớn, đẻ trứng. Khi đạt được số lượng mong muốn, gia đình sẽ bán một phần để trang trải cuộc sống”.
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được triển khai ở huyện Sơn Tây với tổng vốn được duyệt trong năm 2015 là gần 12 tỷ đồng với 897 hộ hưởng lợi.
Dự án có bốn hợp phần: phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn, bản; phát triển sinh kế bền vững với các chương trình cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng, đa dạng hóa sinh kế; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực, truyền thông; quản lý dự án với các hoạt động chi trả lương, phụ cấp cho những người quản lý dự án.
Trong các hợp phần trên, hợp phần tạo sinh kế để người dân trực tiếp hưởng lợi có (vốn đầu tư năm 2015 là trên 3,7 tỷ đồng), có các hoạt động cải tạo đàn bò, sản xuất lúa, bắp lai, cải tạo vườn hộ kết hợp chăn nuôi gia cầm, trồng rau, chuối.
Với hợp phần này, Ban quản lý dự án huyện đã chia làm 3 nhóm sản xuất bắp lai tại Sơn Tinh, 3 nhóm sản xuất lúa lai ở Sơn Tinh và Sơn Long. 14 nhóm cải tạo vườn hộ và đàn bò. 13 nhóm triển khai các hoạt động trong vụ Đông xuân 2015 -2016. Mỗi nhóm trung bình có khoảng 20 người. Đây được xem như những cần câu cơm, phao cứu sinh giúp người dân dần thoát nghèo bền vững.
Mang “ánh sáng” đến với vùng cao
Để xóa đói giảm nghèo bền vững, ngoài việc lựa chọn các mô hình sinh kế, dự án đã dành một nguồn kinh phí nhất định để đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Các công trình Nhà văn hóa thôn Đăk Pao (xã Sơn Màu), công trình xây mới đường giao thông nông thôn như Xà Ruông - Nước Kia (xã Sơn Tinh); các công trình xây mới nước sinh hoạt ở KDC Huy Em ( xã Sơn Mùa), Nước Ố (xã Sơn Long)… vừa được xây mới, đưa vào sử dụng là những minh chứng cụ thể.
Các công trình này đã góp phần dần thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở địa phương. Người dân thì rút ngắn được khoảng cách đi lại, các em đến trường tốt hơn vào mùa mưa lũ. Việc sinh hoạt hằng ngày, giao thương, buôn bán phát triển kinh tế được thuận lợi hơn nhiều.
Nhà văn hóa Đăk Pao (xã Sơn Màu). |
Ông Đinh Văn Sanh - Trưởng thôn Đăk Pao xã Sơn Màu vui mừng cho biết khi Nhà văn hóa thôn Đăk Pao (xã Sơn Màu) được khánh thành: “Từ trung tâm xã lên được thôn Đăk Pao là một quãng đường khá xa. Đường lại ghồ ghề, hiểm trở. Mỗi khi có chính sách gì mới ở xã, chúng tôi phải kéo nhau xuống xã hoặc cán bộ phải lên tận nhà mới nắm được thông tin. Còn bây giờ, chỉ cần phát thông báo, bà con sắp xếp thời gian về tụ họp tại nhà văn hóa để sinh hoạt. Rất là thuận tiện! Ai cũng phấn khởi cả!”.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Nhìn lại hơn một năm triển khai các hợp phần của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trên địa bàn huyện Sơn Tây, đa số các tiểu dự án đều cơ bản hoàn thành tiến độ, mang lại nhiều kết quả tích cực. Đây chính là động lực để cán bộ và người dân vùng Dự án giảm nghèo huyện tiếp tục thực hiện tốt các hợp phần còn lại trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, do là năm đầu tiên triển khai nên dự án còn bộc lộ nhiều yếu điểm, khó khăn dẫn đến những hậu quả không đáng có. Điển hình như hiện nay số lượng đàn gà, vịt được cấp còn lại rất ít so với ban đầu.
Năm 2015, nhiều hộ gia đình nhận về 20 con gà nhưng đến nay chỉ còn "lèo tèo" vài con do vấn đề về thời tiết, dịch bệnh. |
Qua kiểm tra, tại xã Sơn Liên chỉ còn 57/200 con, Sơn Long 304/920 con, Sơn Mùa còn 782/800 con. Riêng đàn vịt xiêm ở Sơn Tinh chỉ còn 569/600 con. Vừa qua, tại xã Sơn Liên đã liên tiếp chết 2 bò giống.
Theo bà Lê Thị Ngọc- Phó Giám đốc BQL Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại Sơn Tây thì nguyên nhân là do giống gà, vịt này được mua dưới đồng bằng. Trong quá trình vận chuyển, sức khỏe các con giống yếu hơn và lên đến miền núi thì không kịp thích nghi với môi trường sống.
Thời điểm cấp giống cho bà con chậm hơn so với kế hoạch nên gặp phải thời tiết lạnh, rét, có đợt dịch gia súc, gia cầm. Còn bò chết là do hộ thành viên thả rông và bị rơi xuống hố nên không phát hiện kịp thời.
“Thực tế đó cho thấy, cơ chế vận hành dự án, kiểm soát, thanh toán nguồn vốn chưa đồng bộ, sự quan tâm ở các xã đối với dự án còn hạn chế, phê duyệt kế hoạch còn chậm… Hơn thế nữa, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật đến người dân vẫn còn bộc lộ nhiều yếu điểm, mà phần lớn là điều kiện địa hình phức tạp, trình độ nhận thức người dân chưa cao, vẫn còn thả rông trâu bò, chưa biết ứng dụng kỹ thuật đã tập huấn vào chăn nuôi”, bà Ngọc đánh giá.
Bài, ảnh: Thiên Hậu