(Báo Quảng Ngãi)- Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương cho vay ngoại tệ là tín hiệu tích cực. Theo đó, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) sẽ được vay ngoại tệ. Quyết định này giúp các DN tiết giảm nhiều chi phí, tăng sức cạnh tranh do lãi suất vay USD chỉ bằng 1/2 so với lãi vay Việt Nam đồng.
Gỡ khó
Trước đó, theo Thông tư số 24 của NHNN, chấm dứt việc cho vay ngoại tệ đến hết ngày 31.3.2016. Điều này khiến nhiều DN XK lao đao khi phải chuyển sang vay Việt Nam đồng với lãi suất cao, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa XK.
Rất may cánh cửa lại một lần nữa mở ra với các DN này khi Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 07 cho phép các DN XK được vay ngoại tệ trở lại bắt đầu từ 1.6 đến cuối năm nay. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng cho cả DN và ngân hàng. Bởi, với tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ DN XK bằng cho vay ngoại tệ trở lại là hoàn toàn hợp lý.
Tái cho vay ngoại tệ là cơ hội lớn đối với DN may mặc xuất khẩu. |
Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Thuyên Nguyên cho biết: “Trước đây ngân hàng có cho vay ngoại tệ, nhưng đến cuối tháng 3.2016 bãi bỏ nên đã gây khó khăn cho DN. Các DN XK phải cạnh tranh rất khốc liệt với các công ty nước ngoài. Nếu như lãi suất vay cao thì giá thành sản phẩm cũng cao theo, khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, việc NHNN cho DN XK vay ngoại tệ là một tin rất vui đối với cộng đồng DN”.
Cũng với khó khăn tương tự, lãnh đạo một DN gia công dệt may cho hay, với chi phí tăng cao gấp 2 - 3 lần như vậy, không chỉ DN phải gồng mình chịu đựng mà chi phí này sẽ làm đội giá thành sản phẩm, giá gia công. Về lâu dài, DN sẽ mất đi sự cạnh tranh về giá, đặc biệt là mất đi sức cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi họ đã có sẵn nguồn ngoại tệ.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, quy định trên là sự “cởi trói” cho cộng đồng DN, nhất là đối với những DN sử dụng ngoại tệ. Ông Đoàn On - Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á- Chi nhánh Quảng Ngãi nói: “Việc cho phép DN vay USD sẽ hỗ trợ DN XK bằng cách ngân hàng cho vay USD ngắn hạn, sau đó DN bán lại USD cho ngân hàng, lấy Việt Nam đồng để mua nguyên liệu đầu vào phục vụ XK.
Thêm vào đó, hiện nay các DN của nước ngoài được hưởng lãi suất cho vay rất thấp thì việc DN trong nước, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được vay ngoại tệ trở lại sẽ tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng XK”.
DN cần chủ động hơn
Bên cạnh những tác động tích cực thì việc cho vay ngoại tệ đối với DN XK cũng bộc lộ nhiều điểm lo ngại. Đó là việc cho vay ngoại tệ, sẽ tác động làm tăng nhu cầu ngoại tệ trong thời gian tới, tạo áp lực cho tỷ giá trong những tháng cuối năm; đặc biệt, ảnh hưởng đến chủ trương chống “đô la hóa” của NHNN.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc cho vay ngoại tệ giúp DN vay với lãi suất thấp, nhưng khả năng ngân hàng chỉ coi đây là giải pháp tình thế tạm thời trong giai đoạn khó khăn, khi chưa hạ được lãi suất Việt Nam đồng. Định hướng chính vẫn là chống đô la hóa. Đến khi NHNN hạ được lãi suất Việt Nam đồng, thì có thể lại siết cho vay ngoại tệ. NHNN không khuyến khích người dân nắm giữ USD, nên khả năng không tăng lãi suất tiền gửi USD.
Về phía các DN, cần tích cực đẩy mạnh XK để tăng nguồn thu ngoại tệ. Có được nguồn này, DN sẽ không phải lo vay bằng USD để chi trả nữa. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, các DN đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng hạ lãi suất cho vay Việt Nam đồng để DN có thể vay tiền Việt rồi đổi sang USD mà không phải chịu chênh lệch chi phí quá cao.
Có thể thấy, việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước đã có sự linh hoạt, kịp thời hỗ trợ DN theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu lâu dài, bên cạnh sự điều hành của Nhà nước, các DN cần nâng cao năng lực nội địa hóa, tăng khả năng XK. Các ngân hàng thương mại cần linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn bằng Việt Nam đồng cho DN.
Bài, ảnh: AN NHIÊN