(Baoquangngai.vn)-Chưa có năm nào diêm dân Sa Huỳnh lại bỏ hoang ruộng muối nhiều như năm nay. Để diêm dân bám trụ lại đồng muối truyền thống, cần một chiến lược tổng thể cho ngành muối từ cấp có thẩm quyền.
|
Sa Huỳnh là vùng muối trứ danh có thương hiệu của tỉnh. Ảnh: Hiền Linh. |
Nghỉ tay sau một hồi dập cái trang làm lại nền ruộng, ông Võ Tấn Phát thở than: “Giá muối bây giờ chỉ còn 300 đồng/kg mà còn bị thương lái mua nợ. Nhiều lúc không đủ tiền mua thức ăn hằng ngày”.
Hơn 20 năm gắn bó với đồng muối Sa Huỳnh, ông Phát chưa bao giờ thấy muối “mặn” như hôm nay. Giữa tháng 6, nắng gay gắt và nóng đến 40 độ C, ngày nào ông cũng cùng cô con gái ra đồng làm muối, nhưng đã mấy ngày liên tiếp chiều đổ mưa giông, thế là thành công dã tràng. Thời tiết bất thường càng làm ông và những diêm dân khác thêm nản lòng với những khó khăn đang trải qua.
Giá muối bấp bênh là câu chuyện đã được nói đến nhiều năm, nhưng có lẽ chưa bao giờ diêm dân Sa Huỳnh phải bỏ ruộng nhiều như lúc này. Theo thống kê của UBND xã Phổ Thạnh, có 150/557 hộ bỏ nghề, 20/116 ha muối bị bỏ hoang.
Rít một hơi thuốc dài, ông Phát ngậm ngùi: “Nghề truyền thống của ông bà ai mà không muốn giữ, nhưng vì mưu sinh thôi. Vợ tôi phải vào Sài Gòn kiếm việc, còn hai đứa con cũng vô đó làm thuê”. Cô con gái của ông Phát mới học lớp 11, nhưng nghỉ hè phải ra đồng phụ cha khi mẹ và các anh chị đi làm ăn xa.
Không bám trụ được đồng muối, nhiều diêm dân chuyển sang làm nông, làm cá, thợ đá, thợ đóng tàu…, một số khác phải ly hương như gia đình ông Phát. Đức Phổ nổi tiếng với nghề hủ tiếu, họ có thể là chủ nhân của một quán hủ tiếu nào đó ở TP. Hồ Chí Minh bạn vô tình ghé vào.
Năm 2010, khi Bộ Công Thương cho nhập khẩu 170.000 tấn muối, đã có ý kiến nhận định rằng, việc nhập khẩu muối trong lúc giá muối trong nước xuống thấp thì diêm dân sẽ khổ, thất nghiệp sẽ tràn lan.
Dự báo ấy giờ không còn là một nguy cơ là một thực trạng diễn ra ở nhiều nơi. Khó khăn của diêm dân Sa Huỳnh không nằm ngoài khó khăn chung, khi muối do diêm dân tự làm tồn kho khắp nơi, trong khi năm nào nước ta cũng phải nhập khẩu muối, với nguyên nhân được cho là muối sản xuất thủ công không đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Đó là nghịch lý với một đất nước có đường bờ biển dài hơn 3.200km. Nghịch lý ấy vẫn sẽ tồn tại nếu không có những bàn tay chìa ra giúp những diêm dân, vốn đã mỏi mệt khi mãi luẩn quẩn trong vòng tròn “tự sản, tự tiêu”.
|
Diêm dân lẩn quẩn trong vòng tròn "tự tiêu, tự sản" với giá muối bấp bênh. Ảnh: Hiền Linh. |
Năm 2006, Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh được đầu tư 5 tỉ đồng đi vào hoạt động với bao nhiêu hứa hẹn, khiến diêm dân Sa Huỳnh khấp khởi hi vọng. Nhưng chỉ 4 năm sau, nhà máy đã phải đóng cửa sau thời gian hoạt động không hiệu quả.
Hình ảnh nhà máy muối bỏ hoang nói lên rằng, mối liên kết giữa nhà nước-doanh nghiệp-diêm dân vẫn chưa hiệu quả. Mà để diêm dân bám trụ với đồng muối, mối liên kết ba nhà hay rộng hơn là chính sách, chiến lược cho ngành muối là một yếu tố sống còn.
Tháng 9.2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối. Số phận cái dự thảo ấy không biết giờ ra sao?
Những diêm dân cần cơ chế giá, cần được đầu tư hạ tầng để giảm giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm, cần nơi tiêu thụ… vẫn đang kiên nhẫn bám nghề và ngóng chờ chính sách.
Trong khi đó, nhiều người vì mưu sinh đã bỏ hoang ruộng muối, một số người chọn giải pháp ly hương. Dòng người bỏ muối ly hương không còn là chuyện của ngành muối, mà có thể là những nhân tố khiến bài toán áp lực dân số ở các đô thị lớn thêm rắc rối.
Hiền Linh