(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có đường bờ biển dài 130km; có 5 huyện, thành phố ven biển và một huyện đảo. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa khai thác những thuận lợi về mặt không gian, địa lý để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều tiềm năng...
Nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản là lĩnh vực được khai thác mạnh nhất hiện nay ở Quảng Ngãi. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 chiếc tàu công suất từ 90CV trở lên đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác tăng từ 104 nghìn tấn (năm 2010) lên trên 161 nghìn tấn (năm 2015). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2015 đạt 9,2%/năm.
Nhiều con tàu lớn phải nằm bờ vì cửa biển bị bồi lấp. |
Sở dĩ có được kết quả trên là nhờ điều kiện thuận lợi về biển, đảo cộng với việc thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã tạo đòn bẩy giúp nghề khai thác và đánh bắt thủy sản phát triển mạnh. Hơn nữa, tuy sản lượng khai thác thủy sản tăng 28,5%, nhưng số lượng tàu cá chỉ tăng 9,2% chứng tỏ ngư dân đã biết đầu tư cải hoán, nâng cấp công suất tàu để gia tăng hiệu quả khai thác. Sự chuyển dịch này góp phần tăng khả năng đánh bắt trên các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê của Quân chủng Hải quân, từ năm 2011 đến 2014, số lượng tàu thuyền Quảng Ngãi có mặt tại Trường Sa tăng gấp 3 lần, tại Hoàng Sa chiếm 50%, đã góp phần rất lớn vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền của nước ta trên Biển Đông.
Trong khi đó, du lịch biển, mà điểm nhấn là huyện đảo Lý Sơn cũng đang được đẩy mạnh khai thác. Song song với việc cải thiện hạ tầng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, thì huyện cũng nỗ lực cải thiện, bảo vệ môi trường nên du khách tìm đến Lý Sơn ngày càng nhiều.
Cần khai thác tiềm năng vận tải biển Cùng với những lĩnh vực truyền thống, nhiều chuyên gia cho rằng Quảng Ngãi cần tập trung khai thác tiềm năng và phát triển hàng hải, vận tải biển, với trọng điểm là Khu Kinh tế Dung Quất. Trong đó, ngoài việc thu hút đầu tư, cần kết nối giao thông với các tỉnh lân cận để tăng lượng hàng hóa qua những cảng biển; phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên đề xuất Trung ương bổ sung danh mục đầu tư mở rộng Quốc lộ 24, đoạn thị trấn Ba Tơ đi Kon Tum để thu hút hàng nông- lâm sản ở Tây Nguyên tham gia xuất khẩu, nhằm tăng lượng hàng hóa qua cảng, giảm chi phí hàng hải, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. |
... lắm thách thức
Theo đánh giá của tiến sĩ Trần Tùng Lâm - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Tài chính - Kế toán) thì, với 5 huyện, thành phố ven biển; một huyện đảo và 6 cửa biển lớn, cộng với cơ cấu ngành nghề đa dạng nên kinh tế biển, đảo hứa hẹn sẽ là lực đẩy cho nền kinh tế chung toàn tỉnh. Song, với nguồn lực hiện tại, Quảng Ngãi khó có thể đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, nhằm khai thác triệt để tiềm năng kinh tế biển, đảo.
Đặc biệt, du lịch biển ở Quảng Ngãi còn đơn điệu; phương tiện, cơ sở hạ tầng lại nghèo nàn nên khó thu hút du khách. Do đó, “tỉnh cần quy hoạch và lập kế hoạch phát triển trung, dài hạn dọc bờ biển từ Sa Huỳnh đến Dung Quất phù hợp với khả năng; hiện đại hóa đội tàu nhằm giảm áp lực khai thác nguồn lợi vùng biển ven bờ; đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường, mạnh dạn kết nối với các tỉnh trong khu vực để đưa Lý Sơn trở thành điểm du lịch biển đảo xanh – sạch – đẹp”, ông Lâm đề xuất.
Trong khi đó, ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tuy bờ biển kéo dài 130km nhưng chủ yếu là vùng bãi ngang nên tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi thấp nhất khu vực miền Trung. Hơn nữa, dù giá trị xuất khẩu mỗi năm tăng 58%, doanh thu năm 2015 đạt 13,6 triệu USD nhưng quy mô của 11 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức nhỏ và vừa, lại chưa có các sản phẩm nổi trội mang tính cạnh tranh nên giá trị kinh tế thấp hơn thực tế. Vì vậy “song song với đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy sản thì tỉnh cần sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu bảo tồn biển Lý Sơn, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế biển, đảo bền vững”, ông Hoàng cho hay.
Bài, ảnh: MỸ HOA