Khó khăn trong cấp phép tần số cho phương tiện nghề cá

09:06, 16/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đăng ký cấp phép tần số vô tuyến điện cho phương tiện nghề cá sẽ giúp bà con ngư dân sử dụng tần số theo hướng dẫn, đúng mục đích, tránh gây nhiễu thông tin, làm ảnh hưởng đến thông tin an toàn cứu nạn và cứu hộ. Song thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều ngư dân vẫn còn chưa mặn mà với việc đăng ký giấy phép tần số.

Theo Luật Tần số vô tuyến điện, tất cả các tàu cá có công suất máy từ 90CV trở lên phải được trang bị các thiết bị thông tin HF và các thiết bị này trước khi đưa vào sử dụng phải được cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho phương tiện nghề cá.

Việc đăng ký cấp phép sử dụng tần số cho phương tiện nghề cá không chỉ giúp bà con ngư dân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện một cách hợp pháp, đúng quy định của pháp luật mà giấy phép sử dụng tần số còn là kênh thông tin quan trọng giúp ngư dân sử dụng đúng tần số trong các trường hợp khẩn cấp.

 

Giấy phép sử dụng tần số là kênh thông tin quan trọng giúp ngư dân sử dụng đúng tần số liên lạc về đất liền trong các trường hợp khẩn cấp.
Giấy phép sử dụng tần số là kênh thông tin quan trọng giúp ngư dân sử dụng đúng tần số liên lạc về đất liền trong các trường hợp khẩn cấp.


Có nhiều lợi ích thiết thực, thủ tục đăng ký tần số khá nhanh gọn và ngư dân được sử dụng tần số miễn phí. Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ tàu cá công suất 90CV trở lên đăng ký cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho thiết bị liên lạc tầm xa HF chỉ chiếm hơn 30%.

Tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ đông nhất tỉnh, dù có số lượng tàu công suất trên 90CV lên đến gần 800 chiếc, song chỉ có chưa đến phân nửa số tàu thuyền trên đã đăng ký cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF.

Ông Giã Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: “Hầu hết các chủ tàu đều đánh bắt xa bờ dài ngày, rất ít khi có mặt ở nhà, nên việc gửi thông báo mời các chủ tàu cá này đến làm thủ tục cấp phép thường đạt kết quả thấp là vì thế”. Song, theo Sở TT&TT, thủ tục đăng ký cấp phép tần số cho phương tiện nghề cá khá đơn giản, không phải chỉ có chủ tàu mới thực hiện được, mà người thân của chủ tàu cũng có thể liên hệ với UBND xã hoặc Phòng NN&PTNT, Phòng VH - TT huyện để được cấp phép.

Trong khi đó, tại TP.Quảng Ngãi, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương nên công tác cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho phương tiện nghề cá đã có những bước chuyển tích cực. Khi vừa mới sáp nhập 5 xã ven biển: Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Phú thì TP.Quảng Ngãi có đến 1.210/1.253 tàu đánh bắt hải sản trên 90CV có sử dụng máy Icom để thông tin liên lạc, nhưng chưa được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

Vậy mà trong vòng chưa đầy 2 năm, TP.Quảng Ngãi đã có 1.164/1.466 tàu có thiết bị liên lạc tầm xa HF đã được cấp phép. "Và dự kiến, đến hết quý III/2016, TP.Quảng Ngãi sẽ đảm bảo 100% tàu cá trên 90CV đăng ký cấp phép tần số cho phương tiện nghề cá”, ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi, cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Trường - Phó Giám đốc Sở TT&TT yêu cầu lãnh đạo các địa phương có tàu cá đánh bắt xa bờ cần quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo các đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu cá thủ tục làm hồ sơ. Bởi trên thực tế, địa phương nào có cán bộ nhiệt tình tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép cho bà con ngư dân thì thường kết quả cấp phép đạt được cao.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.