Xuất khẩu: Khó tìm thị trường mới

10:05, 07/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- 2016 - năm đầu tiên Quảng Ngãi thực hiện lộ trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nhằm "chạm mốc" 1 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường mới để mở rộng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp khó khăn.

Thị trường truyền thống: Tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội, dự báo năm 2016 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tốc độ phục hồi kinh tế chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng gay gắt, cùng với biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ, giá dầu thô, thiên tai... có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, cùng với việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn.

Dây chuyền sản xuất nước giải khát của Nhà máy nước khoáng Thạch Bích phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dây chuyền sản xuất nước giải khát của Nhà máy nước khoáng Thạch Bích phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.


Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu  của Quảng Ngãi những tháng đầu năm 2016 là thủy sản, dệt may, tinh bột mì, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, máy móc thiết bị... Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tinh bột mì, sản phẩm làm bằng gỗ, máy móc thiết bị chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc giảm từ 16- 60% tùy từng thời điểm. Nhưng, mặt hàng nông sản chế biến thô xuất đi Trung Quốc tăng vọt. Trong đó đáng chú ý là mặt hàng gỗ dăm tăng khoảng 50% so cùng kỳ 2015. Các mặt hàng nông sản khác như ớt, dưa, cà pháo xuất sang Trung Quốc cũng ồ ạt tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi cùng kỳ 2015.

Song, các sản phẩm thực phẩm chế biến của một số công ty có uy tín như, Công ty CP Đường Quảng Ngãi thời gian gần đây xuất sang Trung Quốc có nhiều biến động. Đối tác đưa ra nhiều điều kiện khá khắt khe và liên tục thay đổi những điều kiện này. Ví dụ, Nhà máy bánh kẹo Biscafun Quảng Ngãi đã ký kết đơn hàng lớn xuất khẩu bánh kẹo sang Trung Quốc. Phía đối tác yêu cầu Biscafun thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Muốn thay đổi, đáp ứng điều kiện này nhà máy phải đầu tư lớn về dây chuyền, công nghệ... nhưng không thể biết quan hệ hợp tác ổn định bao lâu.

 Khó tìm thị trường mới

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều doanh nghiệp của Quảng Ngãi đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Trong đó, điển hình là Nhà máy nước khoáng Thạch Bích đã tìm kiếm đối tác xuất khẩu hàng hóa trên diện rộng, trọng tâm là Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Song việc đàm phán, ký kết hợp đồng và xuất sản phẩm sang thị trường các nước này hiện vẫn đang trong giai đoạn khởi động.

Đối với đồ gỗ xuất khẩu, việc tìm kiếm thị trường mới cũng gặp không ít khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đủ sức sự cạnh tranh. Công ty TNHH MTV Hoàn Vũ dù đã chế biến gỗ xuất khẩu hàng chục năm, nhưng việc tìm kiếm thị trường mới cũng không dễ dàng. Ông Lưu Văn Bảy - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Hoàn Vũ cho biết: "Đơn vị đã tìm được đối tác ở Mỹ, nhưng hàng xuất đi năm 2015 chỉ khoảng 10% sản lượng. Năm 2016, dự đoán hàng xuất sang Mỹ sẽ tăng, song thị trường xuất khẩu của Công ty chủ yếu vẫn là Úc và một số nước Châu Âu. Việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới trong thời điểm hiện nay không dễ dàng".

 Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thị trường mới cho mặt hàng xuất khẩu như tinh bột mì, gỗ dăm... cũng gặp muôn vàn khó khăn. Ngoài đòi hỏi khắt khe về chất lượng, thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc còn đòi hỏi xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, các sản phẩm này ở Việt Nam chưa được cấp các chứng chỉ từ khâu trồng, chế biến, khiến doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu về hàng xuất khẩu.


               Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.