(Báo Quảng Ngãi)- Đang là mùa cá, nhưng ngư dân Quảng Ngãi lại đón nhận niềm vui chưa trọn vẹn, bởi ảnh hưởng của vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển gần bờ các tỉnh bắc miền Trung làm cho sức mua chậm, giá cả xuống thấp...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngư dân, người nuôi cá nước ngọt lo lắng
“Tàu chúng tôi đánh bắt cá ở tận Hoàng Sa, Trường Sa, đâu có ảnh hưởng gì mà mọi người cứ lo, không dám dùng cá. Thật oan quá”, ngư dân Huỳnh Văn Minh, thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) bày tỏ. Sau chuyến biển kéo dài 25 ngày, tàu ông Minh trở về đầy khoang cá, mực, nên cả chủ tàu lẫn anh em đi bạn đều phấn khởi. Song, dù tàu đã cập cảng Sa Kỳ mà bạn hàng vẫn không nhiệt tình “vừa xem cá, vừa ra giá” như những lần trước. Đã thế, sau hồi đắn đo o ép, bạn hàng trả mua với giá thấp hơn thị trường đến 3 giá vì lo... hàng dồn ứ, sức mua chậm! Còn chủ tàu Lê Tấn Ngô, hàng xóm ông Minh cũng buồn rầu vì bỗng dưng cá, mực bị người tiêu dùng “ghẻ lạnh”. Hơn chục tấn cá chuồn, cá nục theo tàu ông Ngô trở về từ Hoàng Sa cũng chịu phận “giá rẻ”.
Ảnh hưởng của hiện tượng cá chết ở vùng biển gần bờ các tỉnh Bắc miền Trung khiến sức tiêu thụ thủy sản Quảng Ngãi chậm, giảm giá. ảnh: M.Hoa |
Không chỉ ngư dân, mà những người nuôi cá nước ngọt – cụ thể là nghề nuôi cá lóc trên cát cũng bị vạ lây. Dù chưa đến mức bị người tiêu dùng quay lưng nhưng sự e ngại, dè dặt của họ cũng đã khiến thị trường tiêu thụ giảm. Theo những hộ dân nuôi cá lóc trên cát thì, thông thường khi “nói không” với cá biển, người tiêu dùng sẽ tìm đến cá lóc. Song, với lý do rất... vô lý là “thức ăn của cá lóc là cá mành biển”, nên người tiêu dùng cũng từ chối loại cá này.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ ách tắc trong vấn đề tiêu thụ thủy hải sản. Trong đó, tăng cường công tác xác nhận cũng như thông báo rộng rãi nguồn gốc thủy sản được khai thác ở các vùng biển an toàn nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên kiểm tra, quan trắc và công bố tình hình môi trường sinh thái ven biển để kịp thời phát hiện, xử lý những hiện tượng bất thường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân thu gom, xử lý rác thải tại bờ biển cũng như ngăn chặn mọi hình thức đổ rác tại các khu vực ven biển, ven sông theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM TRƯỜNG THỌ. |
Nhiều loại cá giá giảm sâu
"Sức tiêu thụ nội tỉnh giữ bình ổn, song hàng xuất bán ra các tỉnh, thành phố khác có chiều hướng sụt giảm đáng kể, đặc biệt là thị trường miền Bắc" - anh Nguyễn Quang Bình, tiểu thương thu mua cá ở cảng cá Sa Kỳ cho biết. Theo anh Bình, trước đây, mỗi tuần anh xuất đi thị trường phía Bắc cả chục xe hàng, nhưng nay các bạn hàng đều báo số lượng giảm, thậm chí có bạn hàng đề nghị "tạm ngừng nhập hàng", vì thị trường bán lẻ tại các chợ giảm mạnh.
Tại đảo Lý Sơn, sức tiêu thụ hải sản khá ổn định. Riêng các loại hải sản nuôi ở đảo như tôm hùm, cá bớp, cá mú được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sức tiêu thụ mạnh trong thời gian gần đây và trở thành nguồn cung chủ yếu của khách du lịch ra đảo.
Nỗ lực "gỡ khó"
“Gỡ khó” giúp ngư dân và người nuôi cá, Sở TN&MT khẳng định: Môi trường ven biển tỉnh Quảng Ngãi ổn định, không có hiện tượng cá chết bất thường cũng như không có các sự vụ, sự cố về môi trường ven biển. Còn Sở NN&PTNT cũng đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác (vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ) của từng tàu cá Quảng Ngãi cập bến nhằm đảm bảo đầu ra cho ngư dân.
Về phía UBND tỉnh cũng đã có cuộc họp với các cơ quan liên quan bàn biện pháp hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc xác nhận thủy sản an toàn, hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm được đưa lên hàng đầu. Đồng thời phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng hải sản an toàn được đánh bắt trên vùng biển Quảng Ngãi, vùng biển xa và các vùng biển đảm bảo an toàn, không ô nhiễm để nhân dân biết, an tâm sử dụng.
UBND tỉnh giao Sở Công thương có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình thu mua, chế biến hải sản của các đại lý thu mua hải sản, các nhà máy chế biến thủy sản, có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tình hình giá cả của mặt hàng hải sản trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện việc ép giá thu mua hải sản, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
MỸ HOA- THANH NHỊ