(Báo Quảng Ngãi)- Vụ sản xuất đông xuân kết thúc không như mong đợi. Chính quyền và ngành chuyên môn đã phân tích, lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng này. Song, người dân vẫn còn băn khoăn khi những “lỗi” của vụ sản xuất đông xuân có nguy cơ tái diễn trong vụ hè thu sắp tới...
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Năng suất lúa vụ đông xuân 2015 – 2016 chỉ đạt 53,4 tạ/ha, giảm 5,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, cơ cấu giống chưa phù hợp; việc bố trí và chấp hành lịch thời vụ thiếu khoa học, không nghiêm túc; nông dân và chính quyền ở một số địa phương chưa tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh gây hại trên cây lúa...
Tái diễn “lỗi” cơ cấu giống, kỹ thuật sản xuất
Tại Hội nghị sơ kết sản xuất đông xuân, triển khai vụ hè thu vào cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố không khỏi bất ngờ với cơ cấu giống vụ hè thu 2016 của Sở NN&PTNT. Ở diện giống lúa chủ lực, OM7347 được xem là giống... quá lạ. Chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương vẫn chưa biết rõ “lý lịch”, đặc tính và khả năng thích ứng của giống OM7347 như thế nào, liệu có phù hợp với thời tiết nắng nóng cũng như chân đất Quảng Ngãi? Ngay cả những đơn vị sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh cũng e ngại khi giống OM7347 được cơ cấu chính trong vụ hè thu. Bởi, giống OM7347 có nguồn gốc từ miền Nam, bên cạnh những ưu điểm như chất lượng gạo tốt, cơm mềm, thơm ngon... thì nhược điểm lớn nhất của OM7347 lại là dễ bị lép hạt khi sinh trưởng, phát triển mà gặp nền nhiệt cao như vụ hè thu.
Ở diện giống lúa bổ sung, ML48 bị chỉ trích gay gắt vì dễ nhiễm bệnh chết cây do tiết trời nắng nóng. Hơn nữa, ML48 cùng với giống VN121, OM4900, ĐV108 đã khiến nông dân kém vui trong vụ sản xuất đông xuân vừa qua do nhiễm các bệnh đạo ôn, rầy nâu ở mức độ nặng. Năng suất lúa vì thế cũng sụt giảm mạnh, có nơi mất trắng.
Trong khi đó, một số giống dù nhận được sự ủng hộ của ngành chuyên môn và nông dân nhưng chỉ được đứng ở hàng chót – tức sản xuất thử, thậm chí không có tên trong cơ cấu. “Nếu Sở NN&PTNT không xem xét, điều chỉnh lại cơ cấu giống cho phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thì tình trạng mất mùa sẽ tái diễn trong vụ sản xuất hè thu sắp tới”, ông Phạm Bá - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật nhận định.
Cùng với giống, tình trạng nông dân “quên” cày dầm, cày ải cho đất cũng tiếp diễn. Bởi, thời gian nghỉ giữa vụ sản xuất đông xuân và hè thu cách nhau chưa đến một tháng, nên chắc chắn mầm bệnh của các loại địch hại cũng sẽ không bị tiêu diệt triệt để nếu không xử lý đất kỹ bằng cách cày ải. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, vụ sản xuất hè thu năm nay có nguy cơ bùng phát mạnh các đối tượng gây hại cho cây trồng như chuột và bọ trĩ.
Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 kém vui vì năng suất sụt giảm 5,3 tạ/ha. |
Nguy cơ thiếu nước, bùng phát dịch bệnh
Theo đánh giá của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, so với các tỉnh lân cận là Quảng Nam và Bình Định thì vụ đông xuân vừa qua, diện tích cây trồng ở Quảng Ngãi "dẫn đầu" về số lượng cũng như mức độ thiệt hại do chuột cắn phá. Về vấn đề chuột phá hại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nêu rõ: “Trong vụ sản xuất 2015- 2016, không có địa phương nào tổ chức ra quân diệt chuột. Ngành nông nghiệp cũng chưa có biện pháp, cơ chế khuyến khích nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này”. Ngay vụ hè thu sắp tới, dù chỉ còn 10 ngày nữa là bước vào sản xuất, nhưng hiện phong trào diệt chuột ở các địa phương trong tỉnh vẫn trầm lặng. Động thái này cũng trùng khớp với nhận định của lãnh đạo Sở NN&PTNT, rằng: Thay vì tổ chức ra quân diệt chuột trước khi vào vụ thì các địa phương lại thực hiện sau khi gieo sạ; cộng với việc không thường xuyên thay đổi chất dẫn dụ nên chuột... nhờn thuốc, hiệu quả không cao!
Cùng với chuột phá hại, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cũng khiến chính quyền và nông dân thấp thỏm. Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, đơn vị đảm nhận tưới cho gần 22 nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, mực nước tại 18 hồ chứa do Công ty quản lý hiện chỉ đạt 50 – 75%. Với tình hình nắng nóng gay gắt như hiện nay, mực nước tiếp tục sụt giảm, diện tích có nguy cơ thiếu nước gia tăng.
Trong khi đó, mực nước của gần 100 hồ chứa do các địa phương quản lý cũng xuống thấp. Có hồ đã ở mực nước chết. Còn dòng chảy sông Vệ và sông Trà Khúc thì sụt giảm nghiêm trọng.
Theo số liệu quan trắc, từ năm 2011 đến nay, mực nước tại sông Vệ liên tục xuống thấp và đạt đáy 3,07m ngay từ đầu mùa khô. Điều đáng ngại là dù căng thẳng nước tưới nhưng hiện giờ việc sử dụng nước lại rất lãng phí, trong khi kênh mương hư hỏng. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả lại thiếu đồng bộ...
Theo ông Nguyễn Lập - Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi, để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của chính quyền các cấp trong việc bố trí người dẫn thủy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như khuyến khích nông dân làm đất tập trung để tránh thất thoát nước.
*Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT: “Xây dựng cánh đồng lớn các giống chất lượng. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tuân thủ và chấp hành lịch thời vụ”.
*Ông Trương Văn Trung, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa): “Triển khai lịch thời vụ chậm. Bố trí giống chưa hợp ý nông dân”. Vụ nào cũng vậy, lịch sản xuất về đến dân là cận ngày gieo sạ nên chúng tôi bị động trong việc chọn giống, làm đất nên mới có chuyện máy làm đất đợi nước hoặc nước chờ máy. Đối với việc cơ cấu giống, tôi thấy ngành nông nghiệp nên xem xét lại, linh động vì chân ruộng mỗi vùng khác nhau. Ví dụ như ruộng ở Nghĩa Hiệp rất "chịu” giống ĐH99-81, VTNA2 mà những loại này thì nằm ngoài cơ cấu nên đại lý họ không bán, hoặc bán ít.
Như vụ đông xuân vừa rồi, tôi làm hai giống trên nên không bị mất mùa, năng suất vẫn đạt 70 tạ/ha.
|
Bài, ảnh: MỸ HOA