Những miền quê trù phú, ấm áp tình người

06:05, 04/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vượt qua những đau thương, mất mát của chiến tranh, nhờ sự “chung lưng đấu cật” của con người đã biến những vùng đất từng chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến chuyển mình xanh tốt. Ở những miền quê ấy, không chỉ có sự trù phú của ruộng vườn, mà tình người cũng ấm áp, chan hòa...

Vượt qua nỗi đau chiến tranh

Chúng tôi về Bình Hòa (Bình Sơn) những ngày giữa tháng 4, cái nắng  ngày hè rát cháy vào da thịt, thế mà trên những cánh đồng, người dân vẫn cặm cụi thu hoạch vụ lúa, vụ nén mới. Nơi đây, từng phải gánh chịu nhiều “vết thương” của chiến tranh. Vụ thảm sát năm 1966 đã cướp đi sự sống của hơn 430 người dân của thôn I và tưởng chừng như nỗi đau ấy không thể nguôi ngoai trong lòng mỗi người. Ấy vậy mà giờ đây, ruộng vườn đã xanh tốt ngút ngàn phủ trên mảnh đất cằn cỗi này.

Người dân Bình Sơn thuê đất ở Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) để sản xuất, trồng trọt.
Người dân Bình Sơn thuê đất ở Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) để sản xuất, trồng trọt.


Có được cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc như hôm nay, người dân Bình Hòa luôn tự hào về quá khứ, vững tin ở tương lai để vững bước đi lên hòa nhập với sự phát triển của đất nước. “Đất đai thì cằn cỗi, đã vậy còn thiếu nước, nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ đất. Bà con ở đây quyết tìm cây trồng phù hợp, tìm mọi cách để làm ăn. Thật vui khi đất không phụ công người, giờ đây, mía, mì, cây nén phát triển tốt, hằng năm cho thu hoạch khá nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi”, bà Đỗ Thị Thường, thôn I, xã Bình Hòa chia sẻ.

 Sau chiến tranh, cũng như bao miền quê khác trong tỉnh, vùng đất Bình Hòa hoang tàn đổ nát. Ðể hồi sinh lại mảnh đất này, người dân ở đây đã phải trải qua bao thăng trầm, nhiều năm lúc giáp hạt có biết bao gia đình thiếu ăn, con em thiếu sách vở đến trường và cả ốm đau, bệnh tật hoành hành...

 Nhưng giờ đây, Bình Hòa đã thay da đổi thịt, khoác lên mình “bộ áo” mới. “Có được như vậy cũng nhờ sự chung tay của chính quyền và bà con ở xã. Họ luôn sẵn sàng thực hiện các phong trào, chủ trương đề ra để xây dựng quê hương thêm giàu mạnh. Và điều quan trọng hơn hết là sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người dân vẫn được duy trì từ xưa đến nay, đó là điều mà chúng tôi cảm thấy tự hào nhất”, ông Nguyễn Xuân Ba – Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết.

Tình người nơi “đất khách”

Vốn dĩ quê của vợ chồng anh Phạm Trí là ở Bình Chương (Bình Sơn), nhưng vì vùng đất này gặp nhiều khó khăn trong trồng trọt nên năm nay, vợ chồng anh phải vào xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) để thuê đất sản xuất. Sau vài tháng “ăn ngủ ngoài đồng” đến nay dưa đã cho thu hoạch và vui hơn là năng suất cũng như giá cả cao hơn những năm trước. Anh Trí chia sẻ: “Hồi trước, làm dưa ở quê cũng nhiều, nhưng vì chất đất không còn phù hợp, nên tôi phải đi tìm nơi khác thuê đất để làm. Cũng may vào xã Nghĩa Thuận, được người dân cho thuê đất nên mấy anh em hùn tiền lại rồi xuống giống. Đất thổ và trước đó trồng mía, nên khi trồng dưa thấy nhiều triển vọng lắm. Hy vọng vụ dưa này chúng tôi sẽ trúng lớn”.

Là người cho người dân ở Bình Sơn vào thuê đất trồng dưa, ông Nguyễn Xuân Khởi, thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) chia sẻ: “Mình cũng là nông dân nên hiểu được cái khó, cái cực của người nông dân. Thấy họ khó khăn, thiếu đất sản xuất mà mình còn vài sào đất dư nên cho thuê. Năm nay, gia đình tôi cho thuê cả thảy hơn 7 sào đất. Lâu lâu đi thăm ruộng có ghé qua chỗ họ làm dưa, thấy dưa tốt tươi, trái đều mình cũng mừng. Chỉ mong sao năm nay dưa được mùa được giá, cho họ đỡ khổ”.

“Từ xưa đến nay, người dân một số thôn của Nghĩa Thuận vẫn hay nhường và cho người dân ở các nơi khác thuê đất để sản xuất. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, nhằm giúp đỡ và tạo điều kiện để họ làm ăn, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương, mà không cần phải tha phương ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, chính quyền cũng luôn thường xuyên theo dõi và nhắc nhở họ làm ăn, sản xuất theo hướng tích cực, bảo vệ nguồn nước và thổ nhưỡng đất đai ở địa phương”, ông Bùi Trung Nhị - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết.

Những ruộng dưa, ruộng lúa... tốt tươi xanh mướt trên những mảnh đất chan chứa tình người sẽ hứa hẹn những ngày mùa bội thu. Điều đó đã khiến cho niềm vui của những người nông dân thêm nhân đôi. Trên những khuôn mặt sạm nắng, lam lũ ấy không còn hiện hữu nỗi buồn. Thay vào đó là sự kỳ vọng vào những điều tốt đẹp từ công sức mà họ bỏ ra. Và hơn hết chính nhờ sự “chung lưng đấu cật” của họ, mà những mảnh đất kia đã trở nên trù phú, tốt tươi hơn trước rất nhiều.
 

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.