(Báo Quảng Ngãi)- Hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã rõ. Song, hiện nay, mức tăng trưởng về cơ giới hóa chưa tương xứng với yêu cầu của sản xuất, cũng như giảm tổn thất sau thu hoạch do ngân hàng và người dân chưa gặp nhau trong quá trình thực thi chính sách...
Người dân nói khó
“Tôi tính sắm lại máy cày đất tốt, loại của Mỹ vì nó mạnh nên làm nhanh, lại cày sâu nhưng vẫn chưa xoay xở được 200 triệu đồng còn thiếu”, ông Trần Út, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) mở đầu câu chuyện.
Khi chúng tôi “hiến kế” là dùng chiếc máy cày hiện có để thế chấp vay vốn ngân hàng sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu theo Quyết định 68 về một số chính sách nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Song, trái với vẻ phấn khởi, ông Út lại nói buồn: “Tôi cũng đến ngân hàng hỏi vay theo chính sách đó nhưng khó quá. Đành thôi!”.
Nông dân khó tiếp cận vốn vay ưu đãi để cơ giới hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. |
Cái "khó" mà ông Út bảo là thủ tục vay vốn rườm rà, phức tạp mà lãi suất lại cao. Trong khi đó, để được hưởng ưu đãi lãi suất theo QĐ 68, những nông dân như ông Út còn phải thực hiện hàng loạt thủ tục giấy tờ, rồi... chờ đợi! Do đó, dù muốn đầu tư sắm máy mới hiện đại, ông Út cũng chịu, đành bằng lòng với chiếc máy cày cũ kỹ.
Người dân đã thế, các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) cũng chẳng khá hơn. Bởi ngoài tài sản thế chấp, hiệu quả hoạt động, kết quả vay vốn của các HTX phụ thuộc gần như hoàn toàn vào phương án sản xuất kinh doanh sau khi đầu tư mua sắm máy móc. Điều này, theo ông Trần Phú Xuân - Giám đốc HTX Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) là “làm khó HTX”. Lý do, mục tiêu hoạt động của tổ chức HTX là hỗ trợ, giúp đỡ xã viên và phát triển cộng đồng nên yêu cầu HTX phải đạt lợi nhuận kinh doanh cao với những con số cụ thể là không phù hợp với tôn chỉ, mục đích trên. Do đó, phải trầy trật nhiều năm, HTX Đông Hòa mới sắm được máy sản xuất nước đá, máy cày nhờ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chi nhánh Quảng Ngãi đồng ý cho vay với mức lãi suất 7%/năm trong 6 tháng đầu.
Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì HTX Đông Hòa đã phải thấp thỏm lo vì sau 6 tháng, lãi suất sẽ “nhảy”. Hoạt động của HTX vì thế cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi phần hỗ trợ về lãi suất của Nhà nước theo QĐ 68 thì vẫn bặt vô âm tín!
Theo QĐ 68 về một số chính sách nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, các tổ chức, cá nhân có thể vay tối đa 100% giá trị hàng hóa để mua sắm các loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp như máy làm đất, san phẳng ruộng, gieo cấy, trồng, sản xuất giống... các loại máy, thiết bị dò cá, thông tin liên lạc, chế biến sản phẩm; hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm hay kho chứa, hầm bảo quản... Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba. |
Ngân hàng lo... nợ xấu
Ông Đinh Duy Sung - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho rằng, các ngân hàng đều cam kết cho nông dân vay vốn mua sắm máy móc, trang thiết bị theo QĐ 68 của Thủ tướng Chính phủ. Song thực tế, hiện chưa có nông dân nào được hưởng theo chính sách này. “Ngân hàng sợ rủi ro vì không kiểm soát được đồng vốn. Còn nông dân vẫn chưa hiểu rõ các quy định của QĐ 68 nên họ cho rằng, ngân hàng chỉ việc cho vay vốn, còn sắm máy nào là quyền của mình. Trong khi đó, QĐ 68 quy định người vay phải mua máy mới 100%”, ông Sung cho biết.
Về phía Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), Chi nhánh Quảng Ngãi thì cho rằng, trước đây, ngân hàng cũng đã cho vay vốn giảm tổn thất sau thu hoạch theo các QĐ 63, 65 của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều nông dân phản ánh máy nội địa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên họ không mặn mà vay vốn theo QĐ 68 để đầu tư sắm mới.
Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến người dân “lơ” QĐ 68 là do ngân hàng “làm khó” về thủ tục hành chính, áp lãi suất cao mà chỉ cho vay 70% giá trị của máy móc. Bởi, QĐ 68 không quy định tỷ lệ máy nội địa hóa 60% như trước. Với những rào cản này mà tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa đồng bộ, chỉ mới tập trung vào cây lúa; còn các cây trồng khác và chăn nuôi, thủy sản chưa được quan tâm đúng mức.
QĐ 68 là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để quyết định này thực sự đi vào cuộc sống, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ nội dung chính sách. Đồng thời, ngân hàng cũng cần cởi mở, linh hoạt hơn trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục giúp nông dân thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
M.HOA – H.HOA