(Báo Quảng Ngãi)- Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (Đức Phổ). Nhưng hiện nay, nguồn lợi của đầm An Khê đang bị cạn kiệt dần. Do đó cần phải có giải pháp quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn lợi to lớn của đầm An Khê.
Tiềm năng dồi dào
Đầm An Khê có chiều dài 3,5km, rộng 1km với 347ha mặt nước. Đầm có nước quanh năm, mực nước sâu nhất trong đầm là 4m. Hiện tại đầm An Khê có một lối tiêu nước ra biển qua một eo nhỏ dài khoảng 3km. Nơi cửa ra gọi là cửa Lỗ, thường bị bồi lấp quanh năm. Khi mùa mưa lũ, nước thừa trong đầm xả ra thì cát ở cửa Lỗ bị đẩy xa ra biển, hoặc người dân địa phương phải đào thông cửa này cho nước thoát ra biển. Nước chứa trong đầm hầu như ngọt hoàn toàn, phù hợp cho hoạt động sống của các loài thủy sinh.
Đầm An Khê, nơi có Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh đã xây dựng xong và đi vào hoạt động đang phát huy hiệu quả. |
Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là thủy sản nước ngọt, trong đó cá rô phi chiếm sản lượng nhiều nhất, cùng với các loại cá diếc, tép, cá thác lác, cá bống, tôm, ốc, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè... Đặc biệt còn có cá Úc – loài cá quý rất ít khi xuất hiện trong những năm gần đây. Còn nhóm cá biển (số lượng ít) sống trong đầm là cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc... nhưng sản lượng không nhiều. Qua đó cho thấy, đầm An Khê chẳng những là nơi có cảnh quang đẹp mà còn có tiềm năng về nguồn lợi thủy sản rất dồi dào tạo thêm sinh kế cho nhiều cư dân sống quanh đầm.
Thực trạng hoạt động thủy sản trên đầm
Theo số liệu điều tra hoạt động thủy sản trên đầm An Khê (năm 2015), tổng số hộ tham gia đánh bắt nuôi trồng và thu mua thủy sản khai thác được từ đầm An Khê là 220 hộ, gồm 210 hộ khai thác thủy sản và 9 hộ thu mua thủy sản đánh bắt được từ đầm. Ngành chức năng nhận định, sản lượng khai thác hằng năm trên đầm hiện nay đã giảm một nửa so với 15 năm trước.
Nghề nuôi thủy sản trên đầm đã bắt đầu phát triển từ năm 2000. Lúc này có khoảng 10 hộ thuộc thôn Phú Long (xã Phổ Khánh) góp vốn làm đăng chắn ở vùng bờ vũng để nuôi các loài cá nước ngọt như trắm cỏ, mè, trôi, rô phi... Những năm đầu, việc nuôi cá đem lại hiệu quả tương đối cao, song những năm sau này, do sự tích tụ chất thải của cá nuôi làm môi trường trở nên ô nhiễm, một số cá bị lở loét, chậm lớn, hiệu quả thu được từ nuôi cá trên đầm ngày càng giảm sút. Đến năm 2006, tổ đội nuôi cá tan rã, một số hộ tiếp tục nuôi đơn lẻ, đến năm 2015 chỉ còn lại duy nhất một hộ nuôi cá trên đầm.
Định hướng quản lý và khai thác
Vai trò nổi bật của đầm An Khê là nguồn lợi thủy sản, là sinh kế của hơn 200 hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường (Phổ Khánh) và Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 (Phổ Thạnh). Trước đây các hộ khai thác thủy sản trên đầm có nguồn thu nhập tương đối cao, nhưng hiện nay nguồn thu nhập này đã giảm đi rất nhiều.
Đầm An Khê còn là nơi chuyển tiếp hệ sinh thái trên cạn và biển, cùng tồn tại các hệ sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn và sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng đối với môi trường và sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Với cảnh quang tuyệt đẹp, đầm An Khê còn là điểm đến lý tưởng của khách du lịch, một phần là nhờ có Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh đã được xây dựng hoàn thành ngay bên cạnh bờ đầm An Khê.
Vấn đề cần thiết đặt ra hiện nay là cần đầu tư, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên vô giá của đầm An Khê. Các cấp, ngành, địa phương hữu quan cần có hành động thiết thực nhằm bảo vệ đầm An Khê. Đặc biệt, không nên can thiệp quá lớn, phá vỡ tự nhiên đầm An Khê và cần phải giữ cho đầm một nguồn nước dồi dào, trong sạch; có giải pháp giải quyết các nguồn gây ô nhiễm nước trong đầm.
Đồng thời sớm có giải pháp quản lý khai thác và đánh bắt thủy hải sản trong đầm một cách hợp lý và có hiệu quả hơn, để duy trì sự phát triển nguồn thủy sản tự nhiên về lâu về dài. Trong đó, nên tổ chức quản lý khai thác thủy sản đầm An Khê bằng hình thức dựa vào cộng đồng; bảo vệ, duy trì và phát triển các loại tôm cá, cùng các loại thủy sản tự nhiên khác ở trong đầm nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản cho đầm. Trong đó cần chú ý khôi phục nguồn lợi cá Úc - loài cá quý đã đi vào tiềm thức của bao người dân địa phương.
Ngoài ra, cần kết hợp việc khai thác nguồn lợi thủy sản trong đầm với cảnh quan và di tích văn hóa để thu hút khách tham quan du lịch đến quê hương Sa Huỳnh (Đức Phổ) ngày càng nhiều hơn.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM