(Báo Quảng Ngãi)- Kết thúc gói 30 nghìn tỷ, Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đang mở ra nhiều hy vọng cho người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách, bởi giúp họ có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận nhà ở xã hội...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều kỳ vọng
Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị quyết về chính sách nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, người có thu nhập thấp... có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để thực hiện “ước mơ có nhà”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, vì vậy, Nghị định 100 của Chính phủ ra đời đã mở ra một niềm hy vọng mới cho nhiều người.
Chị Phan Thị Thoại Quyên, xã Bình Trung (Bình Sơn) chia sẻ: “Vợ chồng tôi chắt chiu nhiều năm nay mới mua được miếng đất. Giờ nghe có Nghị định 100 của Chính phủ, chúng tôi rất mừng. Nhất là cho vay mua, xây mới nhà ở xã hội qua NHCSXH khiến tôi thấy vững tâm hơn vì NHCSXH vốn được thành lập để phục vụ người nghèo...”.
Cùng chung kỳ vọng với chị Quyên, chị Diệp Thị Như Huệ ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) cho biết: “Cách đây mấy tháng, nghe có chính sách cho vay đối với người có thu nhập thấp mua, xây nhà ở nên tôi liền đăng ký danh sách tại cơ quan. Mong rằng chính sách này sớm được thực hiện để tôi có điều kiện vay vốn làm nhà”.
Ông Trần Duy Cường – Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, NHCSXH đã thực hiện cho vay xây dựng nhà ở xã hội dành cho hộ nghèo theo Quyết định 33 (Quyết định 167) và Quyết định 48 của Chính phủ. Riêng Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đến nay các Bộ, ngành Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Khi nào có hướng dẫn, NHCSXH sẽ tiến hành thực hiện cho vay theo quy định.
Đừng để người dân chờ quá lâu
Theo Khoản 5 Điều 13 Nghị định 100 của Chính phủ quy định, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hằng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay.
Nhìn nhận về quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu NHCSXH và các cơ quan chức năng không triển khai sớm thực hiện Nghị định này thì đến bao giờ người cần vay mới đủ điều kiện để vay vốn qua NHCSXH. Bởi chiếu theo điều khoản thì Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10.12.2015, nếu ngay khi đó khách hàng gửi tiết kiệm tại NHCSXH thì sớm nhất tới tháng 12.2016 họ mới có đủ điều kiện về thời gian gửi tiết kiệm để làm thủ tục vay. Song trên thực tế, đến thời điểm này đại đa số “khách hàng” đều không biết đến điều khoản này. Như vậy đợi đến khi chính sách này được phổ biến thì đến bao giờ người nghèo mới đủ điều kiện để vay.
Ngoài ra, phương thức cho vay được thực hiện như thế nào cũng là mối quan tâm của nhiều người. Vì hiện nay, NHCSXH vẫn đang thực hiện cho vay các chương trình nhà ở theo quy trình thực hiện với sự tham gia của các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn. Tuy nhiên, khi cho vay mua nhà ở xã hội, NHCSXH sẽ cho vay như thế nào? NHCSXH sẽ quy định cụ thể hồ sơ thủ tục ra sao? Việc thế chấp tài sản bằng nhà ở hình thành trong tương lai có được chấp nhận ở NHCSXH hay không?... Đây là hàng loạt câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100 của Chính phủ, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà... Lãi suất vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị NHCSXH hoặc Ngân hàng nhà nước theo từng thời kỳ. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Hy vọng rằng, chính sách tín dụng này sớm được hiện thực hóa để người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách sớm thực hiện ước mơ có nhà.
HỒNG HOA