(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù bị địch càn quét nhưng bà con ở xóm Bãi, nay là xóm Khê Nam, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) vẫn dũng cảm, quyết tâm “bám đất, bám làng”, làm hậu phương vững chắc cho lực lượng du kích, bộ đội ta. Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, người dân đồng lòng ra sức phục hóa, cải tạo đất đai, biến nơi đây trở thành vùng chuyên canh rau trù phú.
Từ hậu phương vững chắc
Sau vụ thảm sát Sơn Mỹ tháng 3.1968, toàn xã Tịnh Khê chỉ còn lại hơn 500 đồng bào bám trụ tại xóm Bãi. Mặc cho quân địch tăng cường phá hủy, càn quét, đốt nhà, triệt phá mọi sự liên hệ giữa cách mạng với nhân dân nhưng bà con xóm Bãi vẫn kiên cường bám đất giữ làng, không cho địch lập khu dồn. Ông Võ Hồng Nhi, một trong những người bám trụ ở xóm Bãi, ngày đó, cho biết: Lúc đó, cán bộ, bộ đội, du kích xã, thôn lập căn cứ, trú ẩn ở rừng dừa nước sát với xóm Bãi, thế nên dù bị địch càn quét, bắt bớ nhưng nhân dân trong xóm nhất quyết không đi. Lúc đó, thanh niên chúng tôi nằm trong Đội thiếu niên tiền phong của xã. Dù chỉ mới 14, 15 tuổi nhưng ai cũng hăng hái, sáng tạo nhiều cách để giúp lực lượng cách mạng...
Người dân Khê Nam phấn khởi vì vụ ớt bội thu. |
Xóm Bãi lúc bấy giờ không chỉ là hậu phương tiếp tế cho lực lượng cách mạng trú ẩn, bám trụ ở rừng dừa nước mà còn tiếp tế, vận chuyển lương thực cho cả bộ đội nằm ở phía tây Sơn Tịnh. Nhớ về những năm tháng chiến tranh gian khó, mẹ VNAH Võ Thị Lãnh (88 tuổi), kể: Giai đoạn 1968-1972 là ác liệt nhất. Ngày nào địch cũng xuống càn quét, phá hủy xóm làng. Nhà tôi bị đốt trên cả chục lần. Sự tàn ác của địch chưa bao giờ làm chúng tôi khiếp sợ, hoang mang, vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng.
Vùng quê trù phú
Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, bà con xóm Bãi nay là xóm Khê Nam đồng lòng, chịu thương chịu khó phục hóa, khai hoang, gỡ bom, mìn để lấy đất sản xuất. Tận dụng phù sa của sông Trà, bà con cần mẫn vun trồng, chuyển đổi hơn 5ha đất canh tác lúa sang trồng rau màu, luân phiên trồng các loại cây, rau có giá trị về kinh tế. Kết hợp chăn nuôi và đánh bắt hải sản gần bờ để có thêm thu nhập, giúp cải thiện kinh tế gia đình.
Hiện nay ở Khê Nam có vài chục hộ nuôi gà, vịt quy mô đến 300-400 con; nhiều người là gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố... Nhờ hăng say trong lao động mà đời sống kinh tế của bà con Khê Nam ngày càng được nâng lên và nằm trong tốp đầu của xã, với mức thu nhập bình quân đầu người là 25 triệu đồng/năm (mức thu nhập bình quân đầu người của xã là 21,5 triệu đồng/năm). Diện mạo làng quê ngày càng trù phú, xanh tươi, nhân dân sống hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới...
Bài, ảnh: HIỀN THU